Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 35/2022

Thứ hai, 12/9/2022 | 08:00 GMT+7
Úc mong muốn hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí carbon về 0% vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị COP 26 và đảm bảo an ninh năng lượng.

Úc mong muốn hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng

Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, ngày 8/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An có buổi tiếp và làm việc với ông Mark Tattersall, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Úc tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong quan hệ Việt – Úc, trong đó có lĩnh vực thương mại và năng lượng. Đến nay, Úc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 và là một trong những đối tác quan trọng trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp của Việt Nam. Đây là những thành tựu hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2018 và chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

Ảnh minh họa

Ông Mark Tattersall cho biết, phía Úc mong muốn hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí carbon về 0% vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị COP 26 và đảm bảo an ninh năng lượng. 

Chính phủ Úc cũng cam kết mạnh mẽ đối với mục tiêu chuyển đổi năng lượng này và sẵn sàng hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm cho các đối tác quan trọng, trong đó có Việt Nam. Tiềm năng phát triển của thị trường năng lượng tái tạo ở Việt Nam là vô cùng lớn và nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư lớn của Úc.  

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cảm ơn, đánh giá cao những thông tin do Đại sứ quán Úc tại Việt Nam chia sẻ; đồng thời đề nghị Úc tiếp tục hợp tác, hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có kinh nghiệm về vận hành thị trường bán lẻ điện. Thứ trưởng tin tưởng rằng, việc hai bên trao đổi nhằm tiến tới ký kết và thực hiện bản ghi nhớ hợp tác về thiết lập cơ chế Đối thoại năng lượng Việt – Úc sẽ tạo nền tảng quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa hai nước thời gian tới.

Ứng dụng công nghệ đồng đốt sinh khối tại các nhà máy nhiệt điện

Nếu thay thế 10% lượng than nhập khẩu hàng năm (tương đương với 4.000 triệu tấn) bằng nguồn sinh khối địa phương, Việt Nam sẽ tiết kiệm được khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, đồng thời tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương.

Đây là thông tin mà ông Christoph Kwintkiewicz, chuyên gia quốc tế chia sẻ tại hội thảo tham vấn “Ứng dụng công nghệ đồng đốt tại các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam: Tiềm năng sinh khối và công nghệ hiện có”, diễn ra từ ngày 6 - 7/9 tại Ninh Bình.  

Hội thảo do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo/Bộ Công Thương phối hợp tổ chức. Hội thảo là một phần của dự án “Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam” do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên, An toàn Hạt nhân và Bảo vệ Người tiêu dùng CHLB Đức (BMUV) thông qua Quỹ Sáng kiến Khí hậu quốc tế (IKI) tài trợ.  

Trong phần thuyết trình, ông Christoph đã trình bày về các kinh nghiệm quốc tế liên quan đến khung chính sách, tiêu chuẩn kỹ thuật và kinh tế. Ông đã đưa ra các khuyến nghị sử dụng nguồn viên nén gỗ mà Việt Nam đang có nhiều tiềm năng xuất khẩu cho các nhà máy điện than và đồng đốt thay than để giảm CO2.

Hội thảo “Ứng dụng công nghệ đồng đốt tại các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam: Tiềm năng sinh khối và công nghệ hiện có”. (Ảnh: GIZ)

Đồng quan điểm với chuyên gia quốc tế, trong bài trình bày, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, Việt Nam đứng thứ 2, sau Hoa Kỳ về chế biến và xuất khẩu viên nén gỗ vì vậy đây là cơ hội đối với việc ứng dụng công nghệ đồng đốt tại các nhà máy nhiệt điện thay vì xuất khẩu.   

Tại hội thảo, đại diện cho nhóm chuyên gia trong nước, TS. Võ Kiến Quốc và TS. Hà Anh Tùng cũng đã đánh giá các tiêu chí đối với công nghệ đồng đốt và khả năng áp dụng tại Việt Nam, trình bày kết quả nghiên cứu về thị trường sinh khối, khảo sát thực tế tại các nhà cung cấp sinh khối và nhà máy nhiệt điện, đưa ra tính toán với một số trường hợp cụ thể khi áp dụng đồng đốt sinh khối.  

Ngoài ra, ông Đỗ Việt Hòa, Phó Tổng giám đốc Công ty CP nhiệt điện Ninh Bình trình bày nghiên cứu điển hình thử nghiệm về công nghệ đồng đốt tại Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình.

Sau khi hoàn thành những phần trình bày, các diễn giả đã có buổi tọa đàm với các đại biểu, xoay quanh các vấn đề của thị trường sinh khối tiềm năng, cơ hội đối với ứng dụng công nghệ đồng đốt tại Việt Nam.

Dựa trên các ý kiến thảo luận và góp ý của các đại biểu tại buổi hội thảo, dự án BEM cùng nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ hoàn thiện báo cáo “Nghiên cứu công nghệ đồng đốt tại các nhà máy nhiệt điện than để xác định tiềm năng và cơ hội chuyển đổi nguồn nguyên liệu đầu vào thay thế cho than”.

Quảng Trị từng bước hiện thực hóa tầm nhìn là trung tâm năng lượng miền Trung

Mới đây, tại Quảng Trị, Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị phối hợp với báo Công Thương tổ chức hội thảo “Quảng Trị: Hiện thực hóa tầm nhìn trung tâm năng lượng miền Trung”.

Thông tin tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, tỉnh Quảng Trị hiện có 19 dự án điện gió với tổng công suất đặt 714MW, đã đưa vào vận hành thương mại 671,1MW; 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127MW và 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5MW cũng đã đưa vào vận hành thương mại. Tổng công suất đã hoàn thành công tác xây lắp trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là 1.008,5MW (chưa bao gồm khoảng 100MW hệ thống điện mặt trời mái nhà)...

Tỉnh Quảng Trị còn nhiều dư địa để phát triển năng lượng nói chung, năng lượng tái tạo nói riêng

Từ những tiềm năng và kết quả bước đầu, công nghiệp năng lượng được tỉnh xác định là lĩnh vực đột phá phát triển, hướng ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mục tiêu đưa Quảng Trị trở thành một trung tâm năng lượng của miền Trung và cả nước.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Trị phấn đấu hoàn thành và phát điện thương mại khoảng 2.500 - 3.000MW giai đoạn đến năm 2025 và khoảng 9.500MW giai đoạn đến năm 2030 nhằm đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, Chương trình hành động số 15-CT/TU ngày 27/4/2021 của Tỉnh ủy Quảng Trị thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế, đại diện các tổng công ty, nhà đầu tư chia sẻ thông tin, giải pháp hữu ích qua những tham luận với nội dung: “Hiện thực hóa trung tâm năng lượng miền Trung: Động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị”; “Thủ phủ điện gió phía Tây Quảng Trị: Phát huy tiềm năng đặc trưng”; “ Phát triển năng lượng - Một số gợi mở cho Quảng Trị”; “Giải bài toán truyền tải: Cần chủ động đi tắt, đón đầu”...

Ngân Hà