Tuyên bố tập trung giải quyết những vấn đề về biến đổi khí hậu, bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học, đồng thời mang lại lợi ích cho các cộng đồng địa phương tại Trung Trường Sơn - một trong những khu vực có rừng nguyên sinh liền kề lớn nhất châu Á.
Đây là một phần hoạt động của Nền tảng Khởi tạo các giải pháp dựa vào thiên nhiên (NbS-OP), nhằm tìm kiếm các giải pháp NbS có chất lượng và tính toàn vẹn cao, có tác động trên diện rộng lên con người, khí hậu và thiên nhiên tại các cảnh quan rừng nhiệt đới.
Giám đốc điều hành WWF tại Việt Nam Văn Ngọc Thịnh nhấn mạnh, bảo tồn là một nỗ lực lâu dài và có thể mất từ 20 - 30 năm mới mang lại kết quả. Đây là lý do tại sao chúng ta cần một nguồn lực tài chính lâu dài. Nền tảng NbS-OP thành lập nhằm đạt được mục tiêu trên, bằng cách huy động đầu tư từ các khối công - tư vào các giải pháp dựa vào thiên nhiên hiệu quả, có phạm vi tác động trên toàn bộ cảnh quan.

Bảo tồn và phát huy tiềm năng của cảnh quan Trung Trường Sơn
Tại Việt Nam, WWF hiện đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các dự án bảo tồn đa dạng sinh học ở quy mô lớn tại Trung Trường Sơn nhằm bảo vệ, phục hồi và tăng cường quản lý rừng. Các dự án này do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ và WWF là đối tác thực hiện.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, Bộ đánh giá cao những đóng góp lâu dài của WWF và nỗ lực bảo tồn các cảnh quan rừng quan trọng của Việt Nam. Thời gian tới, Bộ mong muốn hợp tác với WWF để bảo vệ sinh cảnh cho Trung Trường Sơn, thông qua các giải pháp dựa vào thiên nhiên có chất lượng và bền vững, mang lại lợi ích cho cả con người, thiên nhiên và khí hậu Việt Nam và trong khu vực.
Được biết, cảnh quan Trung Trường Sơn là một bể chứa carbon tự nhiên, nổi tiếng với độ đa dạng sinh học giàu có và độc đáo. Độ che phủ rừng trong khu vực là từ 47 - 68%, với hơn 2,3 triệu ha rừng tự nhiên. Đây là ngôi nhà của nhiều loài động vật đặc hữu và quý hiếm, bao gồm sao la, mang lớn, mang Trường Sơn...
Tuy nhiên, cảnh quan này hiện đang bị mất đa dạng sinh học nghiêm trọng, phải đối mặt với hiện tượng “rừng lặng” do sinh cảnh bị chia cắt và suy thoái. Trong đó, biến đổi khí hậu và tác động của các hoạt động do con người gây ra là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với hệ sinh thái nơi đây. Có thể kể đến như: săn bắt động vật hoang dã, khai thác gỗ bất hợp pháp, chuyển đổi rừng và các hoạt động sinh kế khác. Hơn nữa, phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu cũng làm trầm trọng thêm tình trạng sinh cảnh bị chia cắt.