Phát biểu tại hội thảo, ông Tô Huy Bảo, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết: Mặc dù công tác quản lý cũng như nhận thức của doanh nghiệp trong thực hiện các quy định của công tác bảo vệ môi trường đã có nhiều thay đổi nhưng thực tế hiện vẫn cho thấy tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong khai thác và chế biến khoáng sản, nhất là công đoạn lưu giữ tại các bãi thải, hồ thải, đã có nhiều sự cố tác động xấu đến môi trường ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Ông Tô Huy Bảo, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp phát biểu tại hội thảo
Xuất phát từ thực tiễn đó, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp phối hợp các đơn vị tổ chức hội thảo nhằm nâng cao nhận thức thức và giải đáp các thắc mắc trong thực thi Thông tư số 41/2020/TT-BCT quy định về quản lý vận hành hồ chứa quặng đuôi trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, đồng thời qua đó giúp các doanh nghiệp chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý, vận hành hồ chứa quặng đuôi từ đó đề xuất, kiến nghị những giải pháp phù hợp với thực tiễn…
Theo số liệu thống kê, cả nước có khoảng 120 hồ chứa quặng đuôi đang hoạt động trên địa bàn 16/63 tỉnh, thành phố. Phần lớn các hồ, đập chứa quặng đuôi nằm trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc như: Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai.
Để tăng cường năng lực về bảo vệ môi trường nói chung và công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hồ chứa quặng đuôi nói riêng, ngày 30/11/2020, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 41/2020/TT-BCT quy định về quản lý vận hành hồ chứa quặng đuôi trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2021.
Thông tư 41 có một số quy định: "Các chủ sở hữu phải định kỳ báo cáo và lưu trữ thông tin, dữ liệu hồ chứa. Các báo cáo phải được gửi về cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền trước ngày 31/1 và 31/7 hàng năm dưới dạng file điện tử. Sở Công Thương có trách nhiệm tổng hợp tình hình quản lý các hồ chứa quặng đuôi trên địa bàn quản lý, gửi báo cáo về Bộ Công Thương trước ngày 31/3 hàng năm. Chủ sở hữu phải thực hiện các quy định tại Thông tư này chậm nhất trước ngày 31/12/2021".
Thông tư đồng thời yêu cầu “Chủ sở hữu (hồ thải) phải nhận diện, dự báo, đánh giá các rủi ro và từ đó chuẩn bị các phương án ứng phó khi sự cố xảy ra theo các kịch bản khác nhau”. Thực tế là sau gần 2 năm Thông tư 41 ra đời, đa số các doanh nghiệp đã triển khai hoàn thiện công tác quản lý theo quy định mới tuy nhiên vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vướng mắc trong thực hiện các quy định.
Quang cảnh hội thảo
Theo bà Nguyễn Thị Lài, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim, tài nguyên khoáng sản của Việt Nam khá đa dạng và phong phú, với trên 5.000 điểm mỏ, quặng của khoảng 60 loại khoáng sản khác nhau nằm rải rác ở các tỉnh trên cả nước. So với các hoạt động công nghiệp khác, khai thác và chế biến khoáng sản tạo ra khối lượng lớn các chất thải rắn, đôi khi gần bằng lượng đất đá đào được do đó chiếm dụng nhiều diện tích đất đai để chứa các loại chất thải này.
Khác với hoạt động công nghiệp khác, hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản có tác động môi trường sớm hơn rất nhiều, từ khi thăm dò xác định nguồn tài nguyên và kết thúc rất muộn, thậm chí hàng trăm năm sau khi các hoạt động đó chấm dứt. Do đó, trong nhiều trường hợp nhất định, nếu không được nghiên cứu đánh giá đầy đủ ngay từ đầu thì việc đóng cửa hay di dời các cơ sở khai thác và chế biến khoáng gây ô nhiễm cũng không có tác dụng hạn chế việc ô nhiễm tiếp tục kéo dài.
Hiện trạng quản lý chất thải rắn đối với quặng đuôi: quặng đuôi từ nhà máy tuyển được bơm vào hồ thải quặng đuôi, tại đây quặng đuôi được lắng trong tại hồ thải quặng đuôi, sau đó phần nước trong được bơm tuần hoàn để cung cấp cho dây chuyền tuyển khoáng. Tuy nhiên các sự cố về môi trường xảy ra trong thời gian qua chủ yếu là sự cố tràn, vỡ đập hồ thải quặng đuôi, bãi thải: ở mỏ thiếc, mỏ chì kẽm, tintan, than...
Vì vậy, để bảo vệ môi trường, đại diện Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim đề xuất giải pháp tái sử dụng chất thải mỏ, như tái sử dụng nước thải; tái sử dụng chất thải rắn. Cụ thể, nước thải đã qua xử lý được tái sử dụng vào các dây chuyền sản xuất. Nguồn nước tái sử dụng sau khi xử lý phục vụ chủ yếu cho công tác sàng tuyển, phun sương dập bụi, vệ sinh thiết bị...
Đối với nước thải sản xuất nhà máy tuyển: theo quy trình công nghệ, nước thải từ quá trình tuyển quặng được đưa vào các bể cô đặc. Tại đây, cùng với chất trợ lắng, nước được lắng trong, phần chủ yếu được bơm tuần hoàn trở lại cho quá trình sản xuất, cơ bản không xả thải ra ngoài môi trường.
Với giải pháp tái sử dụng chất thải rắn: đất bóc, đất đá thải sẽ được sử dụng để cải tạo phục hồi môi trường. Quặng đuôi, có nhiều giải pháp tách nước khỏi quặng đuôi như để bốc hơi, để lắng trong rồi tái sử dụng hoặc để tràn tự nhiên, có thể bơm hút hoặc tháo nước chảy tự nhiên qua tháp thu nước trong... cần thu hồi tối đa lượng nước thải từ hồ thải quặng đuôi để tái sử dụng và hạn chế lượng nước thấm xuống đất.
Cùng với việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý vận hành hồ thải, chia sẻ giải đáp các vướng mắc trong thực hiện Thông tư 41, tại hội thảo, đa số các đại biểu đều quan tâm và đề xuất sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về hồ thải để thuận tiện cho doanh nghiệp cũng như công tác quản lý giám sát vận hành hồ, qua đó giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố, mất an toàn…
Kết luận hội thảo, đại diện Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương, đồng thời kiến nghị Bộ chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện nhằm sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn để có cơ sở áp dụng…