Tình trạng ô nhiễm đe dọa trực tiếp tới chất lượng sống, sức khỏe của người dân
Ngày 15/7, Cổng thông tin Chính phủ tổ chức tọa đàm “Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô”.
Tại tọa đàm, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Hội Không khí sạch Việt Nam cho biết, chất lượng không khí tại Hà Nội đã suy giảm nghiêm trọng trong nhiều năm, đặc biệt là vào mùa đông từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Các chỉ số AQI thường xuyên đạt mức đỏ, tím, thậm chí nâu, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng. Điều đáng lo ngại là xu hướng ô nhiễm không khí không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Đây là vấn đề “nóng” cần được đặt lên hàng đầu trong công tác quản lý đô thị và y tế.

Ô nhiễm không khí tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng cũng như ảnh hưởng tới đời sống, nhất là tại đô thị lớn như Hà Nội
PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho biết, ô nhiễm không khí tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng cũng như ảnh hưởng tới đời sống, nhất là tại đô thị lớn như Hà Nội. Các tác nhân gây ô nhiễm gồm bụi PM2.5 gây tác động lên hệ hô hấp, đặc biệt là gây ra hoặc ảnh hưởng nặng đến người đang mắc các bệnh như bệnh hen cũng như những bệnh đường hô hấp khác, đặc biệt với các đối tượng như trẻ em, người già và phụ nữ mang thai.
Ô nhiễm có thể tác động lên hệ tim mạch khi hấp thụ các hóa chất, bụi gây ra hiện tượng sơ vữa ảnh hưởng đến tim mạch như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tác động đến hệ miễn dịch. Khi tiếp xúc ô nhiễm kéo dài thì bị suy giảm hệ miễn dịch và gây ra các bệnh nhiễm trùng, bệnh mãn tính và có thể tác động lên hệ thần kinh, gây viêm thần kinh, gây ra bệnh Alzheimer, Parkinson.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, có đến 56,1% ô nhiễm không khí đến từ các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy cũ nát. Hà Nội có khoảng gần 7 triệu xe máy chưa kiểm soát khí thải, khoảng 800.000 ô tô sử dụng xăng dầu, cùng với các yếu tố ô nhiễm từ sản xuất công nghiệp, hoạt động dân sinh, thời tiết, khí hậu. Ngoài ra, hệ thống xử lý nước thải, rác thải rắn còn hạn chế, tình trạng bụi mịn vượt ngưỡng cho phép nhiều ngày trong năm, nhất là vào các tháng mùa đông – xuân.
Tại tọa đàm, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, tình trạng ô nhiễm của Hà Nội rất cấp bách, đe dọa trực tiếp tới chất lượng sống, sức khỏe của người dân. Đây là một thách thức ảnh hướng tới mục tiêu phát triển của Hà Nội. Riêng ô nhiễm không khí là thách thức rất lớn.
Chung tay hành động vì một Hà Nội đáng sống
Theo ông Dương Đức Tuấn, để giải quyết vấn đề ô nhiễm, điều 28 của Luật Thủ đô 2024 quy định về bảo vệ môi trường đã giao nhiệm vụ cho Hà Nội: "Quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp; quyết định phạm vi vùng phát thải thấp…"; "Quyết định chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; quy định các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch"...
Mới đây, ngày 12/7/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành chỉ thị số 20/CT-TTg chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Với thành phố Hà Nội, chỉ thị 20 nêu một loạt giải pháp về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông đô thị, trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất rắn. Đồng thời, yêu cầu Hà Nội quyết liệt triển khai những giải pháp cấp bách để khẩn trương giải quyết vấn đề về ô nhiễm môi trường.

Thành phố Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi phương tiện giao thông xanh để góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường
Ông Dương Đức Tuấn cho biết, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tập trung nghiên cứu và triển khai các chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể nhằm thực hiện lộ trình kiểm soát phát thải phương tiện theo Luật Thủ đô 2024 và chỉ thị 20/CT-TTg. Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt với người dân đang sử dụng xe máy, ô tô chạy bằng xăng dầu tại khu vực vành đai trung tâm của Thủ đô.
Bên cạnh việc ưu tiên khu vực nội đô, thành phố cũng hướng tới khuyến khích người dân tại các khu vực ngoài vành đai 1, bao gồm cả khu vực tiếp giáp vùng Thủ đô, từng bước chuyển đổi theo các mốc thời gian đã đề ra cho các năm 2026, 2028 và 2030.
Để làm được điều này, Hà Nội sẽ ban hành các chính sách đồng bộ có sự tham gia của cả chính quyền, người dân và doanh nghiệp nhằm kêu gọi sự chung tay từ các nhà sản xuất, cung ứng phương tiện. Các doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện triển khai chương trình đổi xe cũ lấy xe mới, cung cấp phương tiện xanh với mức giá ưu đãi, hỗ trợ một phần chi phí chuyển đổi, bảo đảm người dân dễ tiếp cận và lựa chọn.
Đồng thời, thành phố cũng nghiên cứu các chính sách tài chính như miễn hoặc giảm lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký đối với phương tiện sử dụng năng lượng xanh, kể cả ô tô và xe máy. Ngược lại, các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ được kiểm soát chặt hơn theo hướng hạn chế lưu thông và khuyến khích thay thế, bảo đảm sự hài hòa và khả thi trong quá trình chuyển đổi.
Dự kiến, vào tháng 9/2025, UBND thành phố Hà Nội sẽ trình HĐND thành phố các nghị quyết chuyên đề nhằm cụ thể hóa các cơ chế hỗ trợ và công cụ quản lý nêu trên, theo đúng lộ trình mà chỉ thị 20 yêu cầu.
Cùng với đó, thành phố xác định rõ: việc chuyển đổi sang xe điện phải đi đôi với việc phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đặc biệt là trạm sạc. Trước mắt, tại khu vực vành đai 1 – nơi đầu tiên áp dụng lộ trình loại bỏ xe máy xăng dầu từ ngày 1/7/2026, hệ thống trạm sạc sẽ được chuẩn hóa trong quy hoạch, triển khai mạnh mẽ theo hình thức đầu tư công kết hợp xã hội hóa. Việc này không chỉ bảo đảm nhu cầu sử dụng mà còn yêu cầu cao về an toàn kỹ thuật, phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, đặc biệt liên quan đến pin xe điện.
Theo Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn: Quá trình kiểm soát ô nhiễm cần bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đây không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là nền tảng để xây dựng một Hà Nội hiện đại, bền vững và đáng sống cho các thế hệ tương lai.
Khẳng định vấn đề ô nhiễm môi trường ở Thủ đô Hà Nội đang là vấn đề cấp bách cần giải quyết để nâng cao chất lượng sống và sức khỏe của người dân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, bảo vệ môi trường không phải là nhiệm vụ của riêng Nhà nước hay chính quyền địa phương mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Ông kêu gọi người dân, cộng đồng doanh nghiệp hãy cùng chung tay hành động vì một Hà Nội đáng sống, trong đó chính quyền đóng vai trò định hướng, kiến tạo và hỗ trợ, còn người dân và doanh nghiệp là lực lượng thực thi hiệu quả nhất.