Quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường

Thứ bảy, 12/7/2025 | 15:23 GMT+7
Ngày 12/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

Tháo gỡ các "điểm nghẽn", hoàn thiện thể chế về bảo vệ môi trường

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các địa phương tập trung rà soát tháo gỡ các "điểm nghẽn", hoàn thiện thể chế về bảo vệ môi trường để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi và phù hợp với việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và mô hình chính quyền 3 cấp; quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chiến lược, đề án, dự án, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm và phạm vi quản lý bảo đảm nguyên tắc "6 rõ", ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực xã hội để giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách. Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền.

Tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và huy động nguồn lực tư nhân, hợp tác công tư trong công tác bảo vệ môi trường. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương liên quan và hợp tác quốc tế để giải quyết có hiệu quả những vấn đề môi trường liên vùng, liên khu vực.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số nơi còn nghiêm trọng

Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá, kiểm điểm tiến độ, kết quả thực hiện các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Đề xuất chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc đối với các nhiệm vụ chưa triển khai, chậm tiến độ, để kéo dài, đặc biệt là các nhiệm vụ trực tiếp giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, giao rõ thời hạn để thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ, không để chậm trễ, kéo dài, lãng phí (hoàn thành trong quý III/2025).

Tham mưu, kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá để tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, bảo đảm giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề môi trường cấp bách, nhất là ô nhiễm môi trường tại các đô thị, làng nghề, lưu vực sông và hệ thống thủy lợi.

Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia, tích hợp, đồng bộ vào trung tâm dữ liệu quốc gia. Trước mắt, tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục tại các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn thải lớn, chất lượng môi trường tại các đô thị lớn, kết nối, chia sẻ với Bộ Công an để phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường (hoàn thành trong năm 2025).

Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách về thuế, phí bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và pháp luật có liên quan nhằm huy động nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phục hồi môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường (hoàn thành trong quý IV/2025).

Thúc đẩy sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường

Bộ Công an tăng cường nắm tình hình, thường xuyên rà soát, bổ sung, cập nhật danh sách các cơ sở gây ô nhiễm, khu vực, địa điểm ô nhiễm môi trường trên phạm vi toàn quốc và chỉ đạo kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm, triệt để tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. 

Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường bảo đảm cơ sở pháp lý, phù hợp với thực tế tổ chức bộ máy của các cơ quan ở Trung ương, địa phương.

Khẩn trương hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương liên quan tích hợp dữ liệu xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi và thẩm quyền quản lý, tích hợp đồng bộ vào Trung tâm dữ liệu quốc gia và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác để phục vụ có hiệu quả ngay trong công tác quản lý nhà nước, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường (hoàn thành trong năm 2025).

Đẩy nhanh xây dựng hệ thống giao thông công cộng, hạn chế sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân ở các đô thị lớn, thúc đẩy sử dụng những phương tiện giao thông thân thiện với môi trường

Bộ Xây dựng tập trung thực hiện có lộ trình cụ thể trong năm 2025 và các năm tiếp theo những giải pháp đẩy nhanh xây dựng hệ thống giao thông công cộng, hạn chế sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân ở các đô thị lớn, thúc đẩy sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; tăng cường kiểm soát khí thải đối với xe cơ giới, khẩn trương hoàn thiện, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (thực hiện từ quý III/2025).

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, bổ sung các quy định để thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông (hoàn thành trong quý III/2025); rà soát tổng thể và bảo đảm có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động liên quan đến phát triển giao thông xanh (hoàn thành trong quý IV/2025).

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất và chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp môi trường; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong các khu, cụm công nghiệp, việc nhập khẩu phương tiện, máy móc đã qua sử dụng, phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (có kế hoạch cụ thể thực hiện từ quý III/2025).

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị Thanh tra Chính phủ có kế hoạch thanh tra chuyên đề về thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại những địa bàn để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các dự án có sử dụng vốn ngân sách đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường có dấu hiệu sai phạm, chậm tiến độ, lãng phí, kém hiệu quả... (thực hiện ngay từ quý III/2025).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro về môi trường và hệ thống xếp hạng tín dụng khách hàng về tiêu chí chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động cho vay nhằm nâng cao trách nhiệm, khuyến khích khách hàng tích cực áp dụng các giải pháp bảo vệ môi trường (có văn bản chỉ đạo trong quý III/2025).

Tiến Đạt