Kinh tế xanh

Bình Dương: Doanh nghiệp thí điểm "nhà trọ xanh" cho công nhân

Thứ ba, 17/8/2021 | 09:27 GMT+7
Nhằm ổn định sản xuất cho doanh nghiệp cũng như đời sống của công nhân trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xây dựng mô hình "nhà trọ xanh". Đây là giải pháp đươc đánh giá là hiệu quả để nhanh chóng trở về trạng thái bình thường mới.

Mô hình "Nhà trọ xanh" đươc đánh giá là hiệu quả để nhanh chóng trở về trạng thái bình thường mới.

Về việc đưa "vùng xanh" trở lại trạng thái bình thường trong điều kiện mới, Bí thư Tỉnh ủy trong buổi gặp mặt với các doanh nghiệp (ngày 13/8) đã nhấn mạnh: “Các địa phương cần lưu ý hai vấn đề quan trọng đó là tổ chức lại sản xuất, từng bước mở rộng dịch vụ thương mại. Doanh nghiệp muốn hoạt động phải có phương án phòng, chống dịch. Theo đó, doanh nghiệp trong khu công nghiệp do Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp phê duyệt, doanh nghiệp trong cụm công nghiệp do Giám đốc Sở Công Thương phê duyệt; doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp do Chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố phê duyệt.

Thương mại, dịch vụ, siêu thị, cửa hàng tiện ích giao Giám đốc Sở Công Thương phê duyệt. Còn lại các chợ, các cửa hàng do Chủ tịch UBND cấp huyện, xã theo phân cấp phê duyệt. Nơi nào thực hiện đúng chỉ đạo, đủ điều kiện mới cho mở lại, ngược lại kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động. Về tổ chức sản xuất, đảm bảo nhà trọ phải "xanh", công nhân phải “xanh”, nhà máy phải “xanh”, không đủ 03 yếu tố này yêu cầu ngừng sản xuất”.

Trong điều kiện vaccine chưa đủ thì các giải pháp phòng, chống đặc biệt quan trọng, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đảm bảo “3 xanh”. Theo đó, tỉnh Bình Dương bắt đầu thí điểm mô hình công nhân một công ty ở cùng một địa điểm trọ đủ điều kiện an toàn và khi vào nhà máy được xét nghiệm sàng lọc theo quy định. Hoặc loại hình một nhà trọ có công nhân làm nhiều công ty, phải tổ chức các công ty đảm bảo "nhà máy xanh" thì nhà trọ mới được đánh giá xanh. Tỉnh sẽ chọn một số công ty làm thí điểm.

Với phương án này, Bí thư Tỉnh ủy giao UBND TP.Thuận An sớm có phương án kết nối doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh nhà trọ trên địa bàn phường Bình Chuẩn tiến hành đàm phán, thỏa thuận và ký kết hợp đồng, hợp tác dài hạn liên quan đến vấn đề thuê và cho thuê trọ. Trên nguyên tắc xác định được công nhân ở “vùng xanh”, tỉnh và thành phố có thể nghiên cứu cấp thẻ xanh cho công nhân “vùng xanh” và khóa chặt “vùng đỏ”. 

UBND TP.Thuận An sẽ làm cầu nối giúp doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh nhà trọ tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng thuê và cho thuê trọ dài hạn theo hướng mỗi nhà trọ chỉ cho một doanh nghiệp thuê và 100% người thuê trong các dãy trọ làm chung một doanh nghiệp.

Hướng đi này được đánh giá là giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ở các khu trọ và nhà máy sản xuất; đồng thời cũng giúp các bên liên quan đạt được những lợi ích nhất định. Cụ thể, chính quyền sẽ quản lý tốt hơn các yếu tố dịch tễ; doanh nghiệp bảo đảm nguồn nhân lực làm việc lâu dài; cơ sở kinh doanh nhà trọ luôn kín phòng với thời hạn cam kết lâu dài và người lao động sẽ được chăm lo tốt hơn, được ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 sớm hơn và công việc bảo đảm ổn định hơn trước. 

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An cho biết, thành phố sẽ sớm kết nối các doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh nhà trọ để thiết lập các khu “nhà trọ xanh” trong tuần tới. Thành phố cũng sẽ cố gắng làm tốt công tác khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh để hướng tới mục tiêu sau 31/8 tới đây cho phép các doanh nghiệp mở cửa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại.

Để chuẩn bị cho việc mở cửa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại đối với các doanh nghiệp trú đóng trên địa bàn tỉnh sắp tới đây, những ngày qua lãnh đạo tỉnh Bình Dương thường xuyên tổ chức những chuyến thăm, gặp gỡ, tiếp xúc và làm việc với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị đầu tư cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh nhà trọ để tìm phương án tối ưu bảo đảm sản xuất an toàn trong điều kiện bình thường mới.

Mộc Mộc