Kinh tế xanh

Sản xuất hạt nhựa tái chế từ rác thải

Thứ tư, 11/8/2021 | 10:51 GMT+7
Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí - CTCP (PVChem) sẽ hợp tác cùng một số đối tác để triển khai dự án sản xuất hạt nhựa tái chế (PET chip) từ rác thải nhựa.

Vừa qua, PVChem tổ chức lễ ký kết trực tuyến Thỏa thuận hợp tác lập báo cáo khả thi dự án sản xuất hạt nhựa tái chế (PET chip) từ chai nhựa phế liệu tại Việt Nam với Công ty Shinkong Systhetic Fibers (SSFC) và Công ty CP Môi trường Nghi Sơn (NSEC).

Việc nghiên cứu sản xuất PET chip tái chế từ chai nhựa phế liệu là một trong những hướng nghiên cứu cần thiết để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển nguyên liệu đầu vào cho Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Ðình Vũ thuộc Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí Việt Nam (VNPOLY) triển khai vận hành sản xuất DTY gia công cho đối tác, tiến tới khôi phục sản xuất kinh doanh toàn bộ nhà máy.

Việc sản xuất các sản phẩm nhựa PET tái chế phục vụ nhu cầu sản xuất xơ sợi là phù hợp với xu thế chung về tái chế rác thải nhựa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. (Ảnh minh họa)

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Công Thành, Tổng giám đốc PVChem thay mặt các bên đối tác gửi lời cảm ơn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), đại diện Phòng Văn hóa Thương mại Việt Nam tại Đài Loan đã kết nối, tạo cơ hội để các bên đối tác trao đổi và đi đến buổi ký thỏa thuận hợp tác. Dự án nhà máy sản xuất PET chip tái chế từ chai nhựa phế liệu là một trong những dự án phù hợp với định hướng chiến lược phát triển của PVChem nói riêng và Petrovietnam nói chung nhằm hoàn thiện chuỗi liên kết giá trị của Tập đoàn đối với các sản phẩm hóa dầu - xơ sợi.

Mặt khác, việc sản xuất các sản phẩm nhựa PET tái chế phục vụ nhu cầu sản xuất xơ sợi là phù hợp với xu thế chung về tái chế rác thải nhựa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, việc hợp tác với các đối tác hàng đầu, có năng lực, kinh nghiệm như SSFC và NSEC để cùng lập báo cáo nghiên cứu khả thi cũng như triển khai dự án sau này sẽ kết hợp, phát huy được các thế mạnh của mỗi bên, gia tăng tính khả thi, hiệu quả dự án, đẩy nhanh tiến độ và giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra.

Ông Lê Xuân Huyên, Phó Tổng giám đốc Petrovietnam gửi lời cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ của đại diện Phòng Văn hóa Thương mại Việt Nam tại Đài Loan trong nỗ lực tìm kiếm và giới thiệu đối tác uy tín, giúp Petrovietnam, VNPOLY tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn. Qua đó, tạo cơ hội để PVChem, SSFC và NSEC tham gia hợp tác nghiên cứu sản xuất PET chip tái chế từ chai nhựa phế liệu. Đồng thời, việc dự án có thành phần tham gia đa dạng về loại hình như doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp có vốn góp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân sẽ tạo ra sự linh hoạt, phát huy thế mạnh của từng loại hình doanh nghiệp, qua đó mang lại thành công cho dự án.

Ông Lê Xuân Huyên nhấn mạnh: "Đây là một trong những dự án bắt kịp với xu hướng chung của thế giới, giúp bảo vệ môi trường và có tính bền vững. Riêng với PVChem, việc tham gia vào dự án lần này không chỉ góp phần cùng Petrovietnam chung tay hỗ trợ VNPOLY mà có thể xem đây là một trong những dự án đột phá quan trọng đầu tiên cho định hướng, chiến lược phát triển mới của PVChem".

Thanh Trúc