Quốc tế

Các chính phủ ra mắt sáng kiến “không có điện than mới”

Thứ sáu, 24/9/2021 | 15:11 GMT+7
Một nhóm các chính phủ trên thế giới vừa công bố thỏa thuận “không có điện than mới” vào ngày hôm nay (24/9) nhằm khuyến khích tất cả các nước cam kết ngừng xây dựng những nhà máy nhiệt điện than mới.

Cụ thể, một nhóm các chính phủ bao gồm Sri Lanka, Chile, Đan Mạch, Pháp, Đức, Montenegro và Vương quốc Anh vừa công bố thỏa thuận “không có điện than mới” nhằm khuyến khích tất cả các nước cam kết ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) để duy trì mục tiêu 1,5 độ C trong tầm tay.

Lần đầu tiên, một nhóm đa dạng các nước phát triển và đang phát triển đã cùng nhau thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu nhằm chấm dứt sản xuất nhiệt điện than mới. Sáng kiến mới này yêu cầu các bên ký kết ngay lập tức ngừng cấp phép và chấm dứt xây dựng mới các dự án nhiệt điện than vào cuối năm nay. Các quốc gia này đang kêu gọi tất cả các chính phủ khác thực hiện những bước đi này và tham gia thỏa thuận trước COP26 để giúp thực hiện mục tiêu đầy tham vọng của hội nghị thượng đỉnh là "đưa điện than vào quá khứ".

Thỏa thuận “không có điện than mới” đáp ứng lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về việc các nước chấm dứt xây dựng nhiệt điện than mới trong năm nay, coi đây là bước đi đầu tiên để giữ mục tiêu 1,5 độ C trong tầm tay và tránh những tác động thảm khốc của biến đổi khí hậu, cũng như đạt được Mục tiêu phát triển bền vững thứ 7 nhằm cung cấp năng lượng sạch và giá cả phải chăng.

Một số nước đã cam kết ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới

Thông báo được đưa ra ngày hôm nay tại đối thoại cấp cao của Liên Hợp Quốc về năng lượng dưới hình thức thỏa thuận năng lượng đưa ra tín hiệu về cam kết của các bên ký kết nhằm thực hiện hành động quyết định để chấm dứt việc xây dựng điện than mới và đi đầu để làm gương cho các quốc gia khác – giúp nhìn nhận ra các tác động tiêu cực điện than đối với biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí. Thỏa thuận năng lượng là thỏa thuận có thể được chỉnh sửa, cập nhật và các quốc gia khác được khuyến khích tham gia. Nhóm các nước ký kết đặt mục tiêu đạt số lượng lớn các bên tham gia ký kết mới càng sớm càng tốt.

Đối thoại cấp cao về năng lượng của Liên Hợp Quốc là hội nghị cấp cao do Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc chủ trì, thảo luận về năng lượng lần đầu tiên sau 40 năm. Cuộc đối thoại công nhận vai trò quan trọng của năng lượng trong việc thúc đẩy các mục tiêu khí hậu cũng như những ưu tiên phát triển bao gồm các quy trình khôi phục hậu COVID.

Các quốc gia khởi động thỏa thuận có thể vận động các quốc gia khác cam kết “không có điện than mới”, xuất phát từ nền tảng kinh nghiệm vững chắc của chính họ. Sri Lanka và Chile gần đây đã thể hiện vai trò đi đầu trong việc hủy bỏ những dự án điện than mới và đưa ra các tuyên bố chính trị rằng họ sẽ không còn theo đuổi xây dựng điện than mới. Đan Mạch, Pháp, Đức, Montenegro và Anh đã hủy bỏ các dự án điện than cuối cùng của họ và hiện đang tập trung vào việc đẩy nhanh việc cho ngừng hoạt động số dự án điện than còn lại.

Các quốc gia ký kết thừa nhận rằng các quốc gia, người lao động cùng cộng đồng tại các nước đang phát triển cần được hỗ trợ trong việc chấm dứt điện than một cách bền vững và kinh tế. Trong số các hình thức hỗ trợ cần thiết, Cơ chế năng lượng Liên Hợp Quốc, Hội đồng chuyển đổi năng lượng và Liên minh Năng lượng hậu than đá sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia muốn bắt đầu quá trình này.

Năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng bền vững, thân thiện về khí hậu và tiết kiệm chi phí, không gây nguy hiểm cho sức khỏe cũng như hành tinh

Chủ tịch COP26 Alok Sharma cho biết: "Loại bỏ điện than là rất quan trọng để tránh biến đổi khí hậu thảm khốc. Tôi rất vui vì Vương quốc Anh đang hợp tác với một nhóm đa dạng các quốc gia thể hiện sự lãnh đạo táo bạo trong việc hủy bỏ điện than thông qua thỏa thuận “không điện than mới”, thể hiện tác động tích cực mà các quốc gia hợp tác chặt chẽ cùng nhau để thúc đẩy hành động khí hậu.

Chi phí cho các công nghệ tái tạo sạch tiếp tục giảm, làm cho điện than trở nên đắt đỏ và không có tính cạnh tranh. Tôi kêu gọi nhiều quốc gia hơn nữa tham gia vào thỏa thuận này trước COP26 và đóng vai trò của họ để hạn chế sự nóng lên toàn cầu và giữ được mục tiêu 1,5 độ".

Svenja Schulze, Bộ trưởng Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Đức chia sẻ: “Trong nhiều thập kỷ, than đá đảm bảo cho sự tăng trưởng và thịnh vượng của nền kinh tế. Hiện nay, chúng ta biết rằng, tiếp tục sử dụng than làm khí hậu của chúng ta nóng lên và do đó đe dọa hành tinh của chúng ta. Do đó, điều cần thiết là tất cả các nước cam kết không xây dựng thêm bất kỳ nhà máy nhiệt điện than mới nào và loại bỏ việc sử dụng điện than càng sớm càng tốt. 

Loại bỏ than không có nghĩa là chúng ta phải từ bỏ phát triển và thịnh vượng về kinh tế. Với năng lượng tái tạo, chúng ta có một động lực mới, bền vững, thân thiện về khí hậu và tiết kiệm chi phí, không gây nguy hiểm cho sức khỏe cũng như hành tinh của chúng ta”.

Cẩm Hạnh