Các đơn vị điện lực cần chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư để ứng phó với siêu bão

Thứ sáu, 6/9/2024 | 15:57 GMT+7
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo đơn vị điện lực tại các địa phương, chủ đập thủy điện thuộc phạm vi quản lý tập trung sẵn sàng đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với siêu bão và hoàn lưu bão.

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa có công điện số 6751/CĐ-BCT ngày 6/9/2024 gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố có khả năng chịu ảnh hưởng của bão số 3; các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ; các chủ đập thủy điện, công trình dầu khí, công trình khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực miền núi và trung du Bắc Bộ về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.

Thực hiện công điện số 87/CĐ-TTg ngày 5/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ, để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của siêu bão, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trong ngành công thương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó siêu bão với tinh thần, trách nhiệm ở mức cao nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương.

Cụ thể, Bộ trưởng yêu cầu các Sở Công Thương và các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ tiếp tục chỉ đạo cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại, đặc biệt là cơ sở tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất phải có phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho người, công trình, máy móc, thiết bị và chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện, vật tư để chủ động triển khai biện pháp ứng phó với những tình huống khẩn cấp có thể xảy ra do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Lực lượng vận hành kiểm tra, thực hiện các biện pháp phòng chống bão tại trạm biến áp 500kV Nghi Sơn

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu chỉ đạo các đơn vị điện lực tại các địa phương, các chủ đập thủy điện thuộc phạm vi quản lý tập trung sẵn sàng đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với siêu bão và hoàn lưu bão. Tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra đối với các công trình lưới điện, hồ đập thủy điện nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đặc biệt cho những phụ tải quan trọng; sẵn sàng mọi phương án để cung cấp điện trở lại sớm nhất đối với các khu vực bị sự cố do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão.

Đối với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Bộ trưởng yêu cầu chỉ đạo các đơn vị triển khai phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại từng cơ sở (kho, cảng, bến xuất, tuyến ống, cửa hàng xăng dầu…); triển khai biện pháp phòng chống tràn dầu, đảm bảo an toàn đối với các kho, cửa hàng xăng dầu nằm trong khu vực ảnh hưởng bởi siêu bão nhằm đảm bảo sẵn sàng cung cấp xăng dầu cho nhân dân.

Các đơn vị khai thác than - khoáng sản được yêu cầu kiểm tra, rà soát bãi thải, khu mỏ, kho chứa, hệ thống đê chắn bãi thải, hệ thống đập hồ chứa bùn thải quặng đuôi… nhằm phát hiện những hỏng hóc, khiếm khuyết có nguy cơ mất an toàn để chủ động xử lý và có phương án đảm bảo an toàn cho công trình, khu dân cư lân cận, nhất là tình huống xảy ra mưa lũ lớn; thực hiện khơi thông, nạo vét hệ thống thoát nước phòng ngừa ngập úng.

Đối với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, cụ thể với Tổng cục Quản lý thị trường và Vụ Thị trường trong nước, Bộ trưởng yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, đẩy giá, đảm bảo ổn định giá các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi bão số 3, hoàn lưu bão. Cùng với đó đảm bảo số lượng hàng hóa, lương thực, thực phẩm sẵn sàng huy động đưa ra thị trường phục vụ nhân dân, đặc biệt là khu vực có thể bị chia cắt, cô lập do bão và hoàn lưu bão gây ra.

Đình Tú