Tập trung hoàn thiện dự án Luật Điện lực sửa đổi

Thứ sáu, 6/9/2024 | 11:14 GMT+7
Ngày 6/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp với Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Cuộc họp nhằm chuẩn bị cho công tác tập trung rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) để đảm bảo dự thảo Luật đạt chất lượng cao nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 15/9/2024.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Luật Điện lực (sửa đổi) là một trong 12 dự án Luật sẽ được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, Luật Điện lực (sửa đổi) phải tập trung vào các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch; thị trường điện cạnh tranh, công tác phân cấp, phân quyền cùng với một số nội dung quan trọng khác.

Từ năm 2004 đến nay, thực tiễn đã chỉ ra nhiều bất cập giữa Luật Điện lực và các Luật khác do vậy Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Ban soạn thảo, Tổ biên tập phải tập trung cao độ để hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực sửa đổi với chất lượng tốt nhất để Quốc hội cho ý kiến và có thể thông qua tại một kỳ họp.

Tập trung hoàn thiện dự án Luật Điện lực sửa đổi. (Ảnh minh họa)

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài đã thông tin về tình hình triển khai xây dựng dự thảo luật trong thời gian qua cũng như kết quả các cuộc họp và hội thảo với Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội. Thứ trưởng đánh giá cao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cùng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng dự án luật liên quan đến nội dung phát triển điện gió ngoài khơi. Thứ trưởng Trương Thanh Hoài đánh giá đây là nội dung khó, Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Theo đó các nội dung chính sẽ được Ban soạn thảo và Tổ biên tập tập trung rà soát gồm:

Về tình hình thực hiện các nhà máy điện khí: các chủ đầu tư đều gặp khó khăn trong thu xếp vốn vay do phải đáp ứng những yêu cầu của tổ chức tín dụng. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn yêu cầu thêm bảo lãnh của Chính phủ như: bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh thanh toán và bảo lãnh chấm dứt hợp đồng của EVN, bảo lãnh rủi ro tiến độ đường dây truyền tải điện…

Về tình hình thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi: hiện nay còn vướng ở các pháp luật khác.

Ngoài ra, những nội dung mới, cần tiếp tục rà soát và có tính linh hoạt, biến động theo từng xu thế và điều kiện phát triển, giao Chính phủ quy định tại dự thảo Luật.

Công tác phân cấp, phân quyền rõ ràng, tăng cường việc kiểm tra giám sát, Chính phủ chỉ kiểm tra quy hoạch và kiểm soát đầu ra...

An Vinh (t/h)