Quốc tế

Cần chuyển nguồn vốn từ điện than sang năng lượng tái tạo

Thứ tư, 20/10/2021 | 11:45 GMT+7
Các nhà cung cấp tài chính công cũng như tài chính tư nhân bao gồm các ngân hàng thương mại và nhà quản lý tài sản cần chuyển nguồn vốn của họ từ điện than sang năng lượng tái tạo để thúc đẩy quá trình phi carbon hóa hoàn toàn của ngành điện, tăng cường khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo cho tất cả mọi người.

Báo cáo Khoảng cách sản xuất năm 2021 (2021 Production Gap Report) do các viện nghiên cứu hàng đầu và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) thực hiện, phát hiện ra rằng bất chấp sự gia tăng các tham vọng về khí hậu và những cam kết đưa phát thải ròng về không, các chính phủ vẫn có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030 so với mức cần thực hiện để phù hợp với việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5° C.

Báo cáo được thực hiện bởi Viện Môi trường Stockholm (SEI), Viện Phát triển bền vững Quốc tế (IISD), Viện Phát triển Hải ngoại (ODI), tổ chức E3G và UNEP. Hơn 40 nhà nghiên cứu từ nhiều trường đại học, các tổ chức tư vấn và nghiên cứu khác cũng đã đóng góp vào nghiên cứu.

Báo cáo này được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2019, đo lường khoảng cách giữa sản lượng than, dầu mỏ và khí đốt theo kế hoạch của các chính phủ và mức sản xuất toàn cầu phù hợp với việc đáp ứng những giới hạn nhiệt độ được đặt ra trong Thỏa thuận Paris. 2 năm sau, báo cáo năm 2021 cho thấy khoảng cách sản xuất này hầu như không thay đổi.

Các kế hoạch, dự báo sản xuất của các chính phủ sẽ dẫn đến mức tăng thêm khoảng 240% sản lượng than đá vào năm 2030

Trong 2 thập kỷ tới, các chính phủ đang dự kiến tăng sản lượng dầu mỏ và khí đốt, chỉ giảm nhẹ sản lượng than đá. Tổng hợp lại, các kế hoạch và dự báo của họ cho thấy tổng sản lượng nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu sẽ tăng lên ít nhất là tới năm 2040, tạo ra khoảng cách sản xuất ngày càng rộng hơn.

Giám đốc điều hành của UNEP IngerAndersen cho biết: “Những tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu vẫn hiện hữu ở đây cho tất cả mọi người thấy. Vẫn còn thời gian để hạn chế sự nóng lên toàn cầu lâu dài ở mức 1,5° C nhưng cơ hội này đang nhanh chóng khép lại. Tại COP26 và thời gian sau đó, các chính phủ trên thế giới cần phải bắt tay vào thực hiện các bước đi nhanh chóng và ngay lập tức nhằm thu hẹp khoảng cách sản xuất nhiên liệu hóa thạch và đảm bảo một quá trình chuyển đổi công bằng và bình đẳng. Đó mới chính là tham vọng về khí hậu".

Báo cáo Khoảng cách sản xuất 2021 cung cấp thông tin về 15 quốc gia có sản lượng nhiên liệu hóa thạch lớn bao gồm: Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Na Uy, Nga, Ả Rập Saudi, Nam Phi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Thông tin cho thấy hầu hết các chính phủ ở các nước này tiếp tục có những hỗ trợ đáng kể về chính sách để tăng cường sản xuất nhiên liệu hóa thạch.

Ploy Achakulwisut, tác giả chính của báo cáo và là nhà khoa học của Viện Môi trường Stockholm (SEI) cho biết: “Nghiên cứu đã chỉ ra rất rõ rằng: sản lượng than, dầu và khí đốt toàn cầu phải bắt đầu giảm ngay lập tức và giảm ở mức độ lớn để phù hợp với việc hạn chế sự nóng lên của trái đất trong thời gian dài ở mức 1,5° C. Tuy nhiên, các chính phủ tiếp tục lập kế hoạch và hỗ trợ mức sản xuất nhiên liệu hóa thạch vượt quá mức chúng ta có thể tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch một cách an toàn”.

Các phát hiện chính của báo cáo bao gồm:

Các chính phủ trên thế giới có kế hoạch tăng thêm khoảng 110% sản lượng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030 so với mức cần thiết nhằm hạn chế sự nóng lên của trái đất ở mức 1,5° C và tăng hơn 45% sản lượng nhiên liệu hóa thạch so với mức phù hợp với mục tiêu hạn chế sự nóng lên ở mức 2° C. 

Các kế hoạch, dự báo sản xuất của các chính phủ sẽ dẫn đến mức tăng thêm khoảng 240% sản lượng than đá, thêm 57% sản lượng dầu mỏ và 71% sản lượng khí đốt vào năm 2030 so với mức cần thiết để phù hợp với mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5° C.

Theo kế hoạch của các chính phủ, sản lượng khí đốt toàn cầu được dự báo sẽ tăng nhiều nhất từ năm 2020 đến năm 2040. Việc mở rộng khai thác khí đốt một cách liên tục và lâu dài trên toàn thế giới không phù hợp với các giới hạn nhiệt độ của Thỏa thuận Paris.

Các quốc gia đã dành hơn 300 tỷ USD cho các quỹ mới phục vụ cho những hoạt động về nhiên liệu hóa thạch kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19 - nhiều hơn số tiền họ dành cho năng lượng sạch.

Cần tăng cường khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo cho tất cả mọi người

Ngược lại, nguồn tài chính công quốc tế của các nước dành cho việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch từ các nước G20 và các ngân hàng phát triển đa phương lớn (MDBs) đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Một phần ba các ngân hàng phát triển đa phương và các tổ chức tài chính phát triển G20 (DFI) theo quy mô tài sản đã áp dụng những chính sách chấm dứt tài trợ cho các hoạt động sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong tương lai.

Thông tin có thể xác minh và có thể so sánh được về sản xuất cũng như hỗ trợ nhiên liệu hóa thạch - từ cả các chính phủ cùng các công ty là điều cần thiết để giải quyết khoảng cách sản xuất.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhận định: “Những tuyên bố gần đây của các nền kinh tế lớn nhất thế giới về việc chấm dứt tài trợ quốc tế cho điện than là một bước đi rất cần thiết trong việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, như báo cáo này cho thấy rõ ràng, vẫn còn một chặng đường dài để đi đến một tương lai năng lượng sạch. 

Điều cấp thiết là tất cả các nhà cung cấp tài chính công cũng như tài chính tư nhân còn lại, bao gồm các ngân hàng thương mại và các nhà quản lý tài sản cần chuyển nguồn vốn của họ từ điện than sang năng lượng tái tạo để thúc đẩy quá trình phi carbon hóa hoàn toàn của ngành điện và tăng cường khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo cho tất cả mọi người”.

Cẩm Hạnh