Cần hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển điện khí

Thứ tư, 24/1/2024 | 13:01 GMT+7
Để thu hút nguồn lực tham gia phát triển điện khí ở Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khung pháp lý, công khai các quy hoạch năng lượng, hệ thống đấu nối và những vấn đề khác nhằm tạp dựng môi trường đầu tư hấp dẫn và cơ chế chính sách thông thoáng, minh bạch, công bằng…

Ngày 24/1, tại Hà Nội, Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo “Phát triển điện khí ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức”. Chương trình có sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS).

Còn nhiều khó khăn và thách thức

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trường phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết: Trong Quy hoạch điện VIII, tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 là 150.000 - 160.000 MW, gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay. Trong đó, nhiệt điện khí trong nước và LNG đến năm 2030 sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện 150.489 MW (không bao gồm điện nhập khẩu, điện mặt trời mái nhà tự dùng, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới), chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện (trong đó nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW chiếm 9,9% và nhiệt điện LNG là 22.400 MW, chiếm 14,9%); nguồn nhiệt điện khí tái hóa từ LNG (hay gọi tắt là khí LNG) chiếm tỷ trọng khoảng hơn 14,9% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia vào năm 2030 và là một trong các nguồn giúp đảm bảo cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.

Cũng theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam sẽ ưu tiên sử dụng tối đa khí trong nước cho phát điện. Trong trường hợp sản lượng khí trong nước suy giảm thì nhập khẩu bổ sung bằng khí thiên nhiên hoặc LNG. Phát triển các dự án sử dụng LNG và hạ tầng nhập khẩu LNG đồng bộ với quy mô phù hợp, sử dụng công nghệ hiện đại. Thực hiện lộ trình chuyển đổi nhiên liệu sang hydro khi công nghệ được thương mại hóa và giá thành phù hợp.

Hội thảo “Phát triển điện khí ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức”

Bên cạnh những cơ hội, việc phát triển điện khí tại Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhận định, điện khí LNG đang đối mặt với hàng loạt rào cản, nổi bật là rào cản về cơ sở hạ tầng, quy hoạch, vốn đầu tư, cơ chế mua bán khí, điện và giá.

Ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cũng nêu một số khó khăn và thách thức trong việc phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII như: thị trường tiêu thụ điện tăng chậm so với mục tiêu trong các Quy hoạch điện; thiếu khung pháp lý để hoàn thành đàm phán, ký kết các thỏa thuận pháp lý, kinh tế, thương mại giữa các chủ thể trong chuỗi dự án đến khí LNG. Cùng với đó là khó khăn về vấn đề bảo lãnh/bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ/nội tệ và nghĩa vụ thanh toán quốc tế về nhập khẩu LNG; vấn đề cam kết về đường dây chuyển tải và đấu nối của dự án, nguy cơ mất kiểm soát tiến độ của chuỗi các dự án điện khí LNG…

Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý

Về giải pháp thu hút đầu tư phát triển điện khí, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, trước hết, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý (nhất là các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính...) làm cơ sở để đầu tư xây dựng kho cảng LNG mới, hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế, tại các vị trí chiến lược, đủ khả năng tiếp nhận tàu chở LNG có kích thước lớn; để vận hành hệ thống tồn trữ và phân phối LNG, khí tái hóa từ LNG tại các khu vực tiêu thụ; cũng như triển khai quyền được thuê và sử dụng hạ tầng bên thứ ba; để quản lý an toàn và bảo vệ môi trường trong sản xuất, vận chuyển, tồn trữ và sử dụng khí tái hóa từ LNG.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi khó lường, giá nhiên liệu khí hóa lỏng biến động thất thường và chiếm tỷ lệ từ 70 - 80% giá thành điện năng sản xuất nên việc xây dựng cơ chế giá điện phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu nhưng không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam. Bởi vậy, Bộ Công Thương cần xây dựng và ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí LNG; xây dựng kế hoạch cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm từ phía EVN và bao tiêu sản lượng khí hàng năm là cơ sở để các ngân hàng xem xét cấp tín dụng cho dự án, cũng như dự án mua được nguồn LNG giá tốt thông qua hợp đồng mua LNG dài hạn để giá điện rẻ hơn.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến địa điểm, thiết kế, xây dựng và vận hành cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu khí LNG; tăng tốc xây dựng chính sách cho ngành công nghiệp LNG đồng bộ và xuyên suốt (bao gồm phát triển hạ tầng LNG theo mô hình kho cảng trung tâm - LNG Hub), cơ chế chuyển ngang giá khí LNG tái hóa từ hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện, phê duyệt cước phí qua kho và đường ống đưa LNG đến nhà máy điện, nguyên tắc phân bổ LNG nhập khẩu cùng với các nguồn khí nội địa cho nhà máy điện. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các nhà đầu tư quốc tế, các nhà đầu tư tư nhân yên tâm đầu tư vốn phát triển điện khí LNG.

Bên cạnh đó, chú ý cân nhắc lộ trình chuyển đổi nhiên liệu của các nhà máy điện từ khí trong nước và LNG sang hydro với tiến độ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi và đủ thời gian thu hồi vốn cho đầu tư phát triển các dự án khí trong nước, cũng như các dự án LNG; nghiên cứu triển khai các dự án sản xuất hydro xanh, amoniac xanh để cung cấp cho khách hàng nội địa và xuất khẩu phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, nâng cao tính tự chủ của ngành điện, giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc vào nước ngoài đối với nhiên liệu sơ cấp; đảm bảo các mục tiêu cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 về trung hòa carbon vào năm 2050.

Ông Vũ Quang Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương nhấn mạnh cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao để khai thác các mỏ dầu, khí có trữ lượng giới hạn biên. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển, khai thác và sử dụng khí thiên nhiên. Khuyến khích và ưu đãi cho các nhà đầu tư thăm dò, khai thác các mỏ khí, đặc biệt là những mỏ khí có trữ lượng giới hạn biên. Đa dạng hóa hình thức đầu tư, liên doanh xây dựng nhà máy điện chạy khí để bán điện cho lưới điện quốc gia…

Theo TS. Nguyễn Quốc Thập, các điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa các dự án khí điện LNG theo Quy hoạch điện VIII là: các cam kết dài hạn, trung hạn và ngắn hạn; cơ chế thị trường cho chuỗi khí điện LNG và các hộ tiêu thụ điện; đổi mới nhận thức và tư duy từ xây dựng cơ chế chính sách tới triển khai thực hiện; hợp tác quốc tế sâu rộng; đặc biệt cần một nghị quyết chuyên đề của Quốc hội về năng lượng nói chung, trong đó có điện khí LNG.

PV