Cảnh báo thời tiết khắc nghiệt của các nhà khoa học thành hiện thực?

Thứ năm, 12/8/2021 | 10:00 GMT+7
Vấn đề biến đổi khí hậu vẫn được coi là mối đe dọa lớn đối với nhân loại. Những vị trí xa xôi như Bắc Cực, nơi băng tan khiến gấu Bắc Cực khó sinh sống và săn mồi. Mực nước biển dâng và hạn hán khắc nghiệt trở thành vấn đề nghiêm trọng với nhiều quốc gia trên thế giới. Trước đó, các nhà khoa học đã lần lượt đưa ra cảnh báo.

Đã đến lúc chúng ta cần ý thức cao độ về hành vi của bản thân đối với môi trường sống (Ảnh sưu tầm)

Trước đó, các nhà khoa học về khí hậu trong nhiều thập kỷ đã cảnh báo rằng khủng hoảng khí hậu sẽ dẫn đến thời tiết khắc nghiệt hơn. Họ nói rằng, sự khủng hoảng này sẽ gây chết người và sẽ xảy ra thường xuyên hơn. 

Kể từ những năm 1970, các nhà khoa học đã dự đoán mức độ ấm lên của thế giới một cách khá chính xác. Nhưng điều khó dự đoán hơn, ngay cả khi công nghệ ngày càng phát triển, chính là tác động của sự biến đổi khí hậu sẽ mạnh mẽ như thế nào.

Michael E. Mann, Giám đốc Trung tâm Khoa học Hệ thống Trái đất tại Đại học Penn State đã chỉ ra hạn chế của các mô hình biến đổi khí hậu.

Mann cho biết: Có một yếu tố quan trọng liên quan đến nhiều sự kiện này, bao gồm cả sự kiện “vòm nhiệt” gần đây ở phía tây, mà các mô hình khí hậu không nắm bắt được. Các mô hình đang đánh giá thấp mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Mann giải thích: Trong các mô hình quan sát khí hậu, thời tiết hàng ngày giống như những tiếng ồn. Nó khá hỗn loạn. Và chỉ những sự kiện khắc nghiệt nhất mới nổi bật lên như một tín hiệu rõ ràng.

Điều đó có nghĩa là các sự kiện lịch sử như lũ lụt ở Đức hoặc cháy rừng ở Canada đã không được ghi nhận trong dự đoán. Các nhà khoa học cho biết, để biến điều đó thành hiện thực, chúng ta cần những mô hình quan sát khí hậu mạnh mẽ hơn nữa.

Richard Allan, giáo sư khoa học khí hậu cho biết trong khi các hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây ở Bắc bán cầu khiến nhiều người ngạc nhiên, thực ra chúng "không hoàn toàn bất ngờ". Đây là điều mà khoa học luôn hướng tới.

Nhưng ông đồng ý rằng những thiết bị, công nghệ tối tân sẽ rất hữu ích trong việc tạo ra các dự báo chi tiết và tinh vi.

Và ngay cả khi không có mô hình chi tiết này, các nhà hoạt động khí hậu và ngày càng nhiều các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang kêu gọi hành động nhiều hơn nữa đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Cuối tuần qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói rằng: “Chúng ta phải nhanh chóng, chúng ta phải nhanh hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”.

Merritt Turetsky, giám đốc Viện Nghiên cứu Bắc Cực cho biết: “Chúng ta đang ở tại thời điểm mà mọi người trên hành tinh này đang cảm nhận được tác động thực tế của biến đổi khí hậu. Những biến đổi này đang quay vòng và ngày càng gần hơn với chúng ta. Những cư dân Schuld, nước Đức chắc chắn sẽ hiểu cảm giác này. Và khi bạn nhìn vào những gì đang xảy ra ở Canada, nơi nhiệt độ đã lên tới 50 độ C và tất cả những gì đang diễn ra trên khắp thế giới, đó là kết quả của biến đổi khí hậu. Và điều đó thật khắc nghiệt”.

Giáo sư Hayley Fowler, Đại học Newcastle cho biết: “Các chính phủ trên toàn thế giới đã quá chậm chạp trong việc giảm phát thải khí nhà kính và hiện tượng ấm lên toàn cầu tiếp tục diễn ra. Những cơn bão cực đoan sẽ xuất hiện rất đáng kể, đồng thời gây ra sự gia tăng tần suất lũ lụt tàn phá khắp châu Âu. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh chúng ta cần phải sản xuất và cải thiện các hệ thống quản lý và cảnh báo khẩn cấp liên quan đến thời tiết”.

Và thực tế đã chứng minh các hiện tượng thiên nhiên cực đoan, lũ lụt đã nhấn chìm các đường phố và nuốt chửng những ngôi nhà kiên cố đã tồn tại hơn một thế kỉ. Ngôi làng yên tĩnh Schuld, nước Đức bị lũ cuốn trôi, thị trấn nhỏ của Canada, nơi thường được biết đến với khí hậu mát mẻ trên núi đã bị thiêu rụi trong một trận cháy rừng cùng với sức nóng chưa từng có. Và ở miền Tây nước Mỹ, chỉ vài tuần sau đợt nắng nóng lịch sử, khoảng 20.000 lính cứu hỏa và nhân viên đã được huy động để dập tắt 80 đám cháy lớn, những đám cháy này đã thiêu rụi hơn 1 triệu mẫu đất Anh (4.047 km vuông), v.v...

Điều ấy khiến con người chúng ta cần ý thức hơn về hành vi, cách ứng xử của bản thân với môi trường, với thiên nhiên. Từ khai thác cát vô độ, chặt phá rừng mất kiểm soát, v.v... tới những hành vi trong đời sống thường ngày như sử dụng rác thải nhựa, xả rác, v.v... nhất là các đô thị lớn đã đến lúc phải ý thức cao độ.

 

Mộc Mộc (Tổng hợp)