Mục tiêu của chương trình hành động nhằm tổ chức thể chế hóa và thực hiện đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đồng thời, xác định nhiệm vụ cụ thể để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, hiện thực hóa mục tiêu đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Để đạt được mục tiêu Nghị quyết số 57-NQ/TW đề ra, Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Thứ hai, khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Thúc đẩy, phát triển một số ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghiệp Internet vạn vật (IoT) như sản xuất, thương mại, năng lượng, nông nghiệp, giao thông, y tế... (Ảnh minh họa)
Thứ ba, tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Phát triển mạng lưới kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, tập trung vào các công nghệ chiến lược và chuyển đổi số. Thực hiện các chương trình, dự án thúc đẩy các lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo trọng tâm của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 5 dự án, chương trình trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, nhà máy thông minh, đô thị thông minh... được triển khai.
Xây dựng, triển khai Chương trình phát triển kinh tế số, xã hội số với các mục tiêu được lượng hóa cụ thể; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ; thí điểm triển khai bản sao số cho một số thành phố trực thuộc Trung ương.
Xây dựng ngành công nghiệp Internet vạn vật (IoT) và một số khu công nghiệp chuyên biệt phát triển IoT. Chuyển đổi số các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng tăng cường ứng dụng Internet vạn vật (IoT) để trở thành khu công nghiệp, cụm công nghiệp thông minh. Thúc đẩy, phát triển một số ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghiệp Internet vạn vật (IoT) như sản xuất, thương mại, năng lượng, nông nghiệp, giao thông, y tế...
Thứ tư, phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Thứ năm, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh.
Thứ sáu, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Rà soát, xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh đầu tư cho chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp.
Tổ chức thực hiện các giải pháp để thúc đẩy việc chuyển giao tri thức, đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thông qua doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); xây dựng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ trong nước đầu tư ra nước ngoài.
Xây dựng quy định về lập các cơ sở nghiên cứu chính sách về công nghệ số, chuyển đổi số tại các doanh nghiệp để nghiên cứu, ứng dụng, hợp tác chuyển giao những thành tựu công nghệ số hiện đại từ nước ngoài vào trong nước; lập các cơ sở nghiên cứu chính sách về công nghệ số và chuyển giao những thành tựu công nghệ số hiện đại từ nước ngoài vào trong nước.
Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số, tổ chức, cá nhân có năng lực, thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm về chuyển đổi số; chính sách hỗ trợ, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số khai thác tốt thị trường chuyển đổi số trong nước vươn ra toàn cầu; thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Cuối cùng là tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế đa phương, song phương với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tập đoàn đa quốc gia có trình độ khoa học, công nghệ, chuyển đổi số phát triển, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh ngoại giao công nghệ, thu hút các nguồn lực bên ngoài, góp phần đảm bảo an ninh kinh tế, nâng cao tự chủ về công nghệ.
Tích cực, chủ động tham gia định hình các khuôn khổ, quy tắc, quản trị về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các cơ chế hợp tác đa phương; nghiên cứu khả năng tham gia các cơ chế, sáng kiến hợp tác mới về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Xây dựng Đề án Việt Nam chủ động tham gia vào các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế. Có cơ chế xây dựng đội ngũ chuyên gia tham gia vào các vị trí lãnh đạo các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, tham gia các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn của một số lĩnh vực liên quan đến phát triển công nghệ chiến lược...