Tin tức

Chủ tịch nước sẽ tham gia cuộc họp APEC về tình hình dịch bệnh Covid-19

Thứ ba, 13/7/2021 | 17:33 GMT+7
Nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự cuộc họp không chính thức của các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) theo hình thức trực tuyến vào ngày 16/7.

Được biết, cuộc họp này sẽ tập trung thảo luận về đại dịch Covid-19 và các tác động kinh tế do đại dịch gây ra.

Ảnh minh họa

Thủ tướng New Zealand cho biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử APEC tổ chức cuộc họp bất thường ở cấp các nhà lãnh đạo. Điều này phản ánh tình huống khẩn cấp và mong muốn cùng vượt qua đại dịch Covid-19 cũng như khủng hoảng kinh tế.

Theo bà, các nền kinh tế APEC trong năm qua đã phải đối mặt với sự suy giảm mạnh nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, 81 triệu việc làm bị mất đi. Do vậy, cùng nhau hành động là việc vô cùng quan trọng để đẩy nhanh sự phục hồi của các nền kinh tế trong khu vực.

"Khu vực của chúng ta đã ứng phó bằng những cách thức rất đáng chú ý, gồm có dỡ bỏ rào cản trong phân phối hiệu quả vaccine và hàng hóa liên quan. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc cần làm để vượt qua khủng hoảng", bà Jacinda Ardern nhấn mạnh.

Tại cuộc họp tới đây, các nhà lãnh đạo APEC sẽ chia sẻ thông tin để có thể cùng tiếp tục xây dựng hiểu biết chung về công tác ứng phó y tế của khu vực đối với Covid-19, từ đó định hình nỗ lực phản ứng chung liên quan đến kinh tế.

Chương trình nghị sự của hội nghị dự kiến bao gồm: việc kiểm soát Covid-19 thông qua chương trình tiêm vaccine nhanh chóng, an toàn và hiệu quả; chính sách kinh tế vi mô và vĩ mô để duy trì hoạt động của doanh nghiệp và người lao động; xây dựng các nền kinh tế có sức bật, bao trùm và bền vững hơn…

Trước đó, kể từ khi đại dịch bùng phát, APEC đã triển khai nhiều nỗ lực ứng phó tập thể với hàng loạt công cụ chính sách nhằm giải quyết nhiều vấn đề khác nhau của cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế như: sáng kiến trên lĩnh vực vaccine, hàng hóa thiết yếu, dịch vụ, cải cách cơ cấu cũng như nối lại hoạt động di chuyển xuyên biên giới an toàn và liền mạch.

Khánh An (T/H)