Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những lĩnh vực có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển đồng bộ nông nghiệp, nông thôn, mang lại giá trị thiết thực, điển hình như chương trình nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, chương trình khuyến công hỗ trợ cho sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển…
Trong đó, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo theo Quyết định 964/QĐ-TTg ngày 30/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ là một trong những chương trình trọng tâm được thực hiện trên địa bàn 287 huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở các khu vực này.
Các dòng sản phẩm đặc trưng của nhiều vùng miền được trưng bày tại hội thảo Thương mại kết nối thị trường cho sản phẩm đặc trưng vùng miền và Giao thương tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn năm 2019
Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức hội thảo Thương mại kết nối thị trường cho sản phẩm đặc trưng vùng miền và Giao thương tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn năm 2019, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, trở ngại trong quá trình phát triển sản phẩm đặc trưng vùng miền và khó khăn trong thực hiện các chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, Bộ đưa ra những yêu cầu từ thị trường đối với các sản phẩm đặc trưng vùng miền; một số biện pháp nhằm phát triển thương hiệu đặc sản cho Việt Nam; kết nối thương mại cho doanh nghiệp, hộ sản xuất, hợp tác xã... với đối tác, chuỗi phân phối. Đồng thời, quảng bá thương mại sản phẩm đặc trưng vùng miền, góp phần đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương, mở rộng thị trường, đưa các sản phẩm đặc trưng vùng miền đến với khách hàng trong và ngoài nước.
Hội thảo tạo ra các cơ hội phát triển, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng vùng miền, góp phần giúp người dân sống được với nghề, giữ gìn và phát triển nghề, giữ đất giữ làng nhất là các sản phẩm đặc trưng của bà con vùng cao gắn với núi rừng. Những sản phẩm đặc trưng vùng miền ngày càng được biết đến nhiều hơn nhờ các chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ, các kênh thông tin quảng bá cũng như hỗ trợ từ Chính phủ đến các bộ, ngành.
Thanh Bảo