Cuộc sống xanh

Công trình xanh: Cần cơ chế ưu đãi để khuyến khích

Thứ ba, 20/11/2018 | 10:24 GMT+7
Theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, bộ mặt Hà Nội gần đây đã thay đổi đáng kể bởi nỗ lực của thành phố trong việc trồng cây xanh trên các tuyến phố. Tuy nhiên, Hà Nội còn cần phủ xanh nhiều hơn không chỉ trên các tuyến phố, mà còn từ các mái nhà, dự án, công trình khác nữa.

Trước đây, khi nhắc đến các khu đô thị xanh, người ta hay nhắc đến những cái tên quen thuộc như Ecopark, Vinhomes Riverside, Làng Việt kiều châu Âu… Trong khi đó, rất nhiều các khu đô thị mới của Hà Nội lượng cây xanh vẫn còn “khiêm tốn” như quanh vùng Mỹ Đình, Láng Hạ, Lê Trọng Tấn…

KTS Võ Trọng Nghĩa – người nổi tiếng với các thiết kế về công trình xanh chia sẻ: Nghề kiến trúc và xây dựng phát triển, những khối bê tông sắt thép mọc lên ngày càng nhiều, chúng đã tàn phá môi trường, do đó, cân nhiều hơn nữa những công trình có thể trả lại diện tích xanh cho trái đất. Đây không phải là trách nhiệm của riêng ai mà còn là vấn đề chung của tất cả người dân. Cùng sự nỗ lực của thành phố, mọi người cần có ý thức đầu tư các mảng xanh ngay trong chính ngôi nhà mình đang ở, nếu mong muốn có được một đô thị xanh trong tương lai.

KTS Võ Trọng Nghĩa cho rằng: Với những dự án chung cư cao tầng trong các khu đô thị hiện nay, việc áp dụng giải pháp “xanh hóa” là hoàn toàn có thể. Thí dụ, bản thân chung cư cao tầng có 1.000m2 sàn/tầng thì mái công trình phải đảm bảo có 1.000m2 diện tích cây xanh. Như vậy, bố cục tòa nhà nhìn trên góc độ thẳng vẫn là khoảng không gian xanh.

Ngoài ra, nếu các cơ quan chức năng có quy định thì một số tầng, nhà đầu tư cần thiết kế lùi vào để tăng diện tích cây xanh trên mặt đứng. Thực tế, quy định này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công với hàng loạt công trình xanh ở mọi khu vực.

Ở nước ngoài, đặc biệt là Canada, nhà đầu tư vẫn có thương lượng với chính quyền nếu làm nhiều diện tích xanh thì được tạo điều kiện tối đa. Từ trước đến nay, quan niệm một công trình kiến trúc đẹp chỉ cần đảm bảo đủ 3 yếu tố chính là tính thẩm mỹ, tính bền vững và tính sáng tạo.

Nhưng hiện tại, cần có thêm yếu tố có bao nhiêu cây xanh được trồng khi một công trình đưa vào sử dụng? Thậm chí, ưu tiên nhà và các công trình kiến trúc có diện tích xanh trong quá trình cấp phép xây dựng tại các dự án đô thị mới.

Ở một góc nhìn khác, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đỗ Viết Chiến nhìn nhận, đô thị xanh có sự gắn bó mật thiết với bất động sản. Tất cả những công trình xây dựng trong đô thị, hạ tầng đô thị như điện, nước... đều là quản lý của bất động sản.

Bản thân một doanh nghiệp phát triển công trình phải có sự liên kết nhiều công trình thành hệ thống: Công trình xanh, hạ tầng xanh. Thế nhưng, ở Việt Nam, khái niệm về công trình xanh vẫn còn mới và chưa được nhận thức đầy đủ về lợi ích. Việt Nam cũng chưa có nhiều giải pháp kỹ thuật đồng bộ, còn hạn chế trong việc cung cấp sản phẩm vật liệu xanh, hệ thống công nghệ vận hành còn yếu.

Đặc biệt, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển công trình xanh của Việt Nam còn chưa đầy đủ; chưa có các cơ chế khuyến khích, ưu đãi thích đáng hoặc bắt buộc đối với việc phát triển công trình xanh.

Còn nhớ, năm 1996 là dấu mốc Hà Nội xuất hiện khu đô thị mới đầu tiên. Thời kỳ đó người dân còn chê chung cư, đều tìm đến nhà thấp tầng, nhưng cũng kể từ năm 1996 đến nay, sau 22 năm đô thị hóa ở Việt Nam, người dân bắt đầu yêu thích ở chung cư, nhà cao tầng. Phong trào công trình xanh tại Việt Nam cũng bắt đầu xuất hiện cách đây khoảng chục năm.

Tuy nhiên, cho đến bây giờ, công trình xanh vẫn chưa thể bắt kịp với tốc độ như vũ bão của đô thị hóa. Vì vậy, để phát triển công trình xanh ở Việt Nam rất cần sự đồng thuận, chung tay của xã hội.

Theo báo Xây dựng