Kinh tế xanh

Đánh giá tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến doanh nghiệp Việt Nam

Thứ tư, 16/9/2020 | 15:56 GMT+7
Ngày 16/9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Quỹ châu Á tổ chức hội thảo "Thích ứng để thành công: Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam".

Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động bậc nhất trên thế giới và cũng là quốc gia đang phải đối mặt với nhiều thách thức của biến đổi khí hậu (BĐKH), các hiện tượng thời tiết cực đoan. Theo Báo cáo Chỉ số Rủi ro khí hậu toàn cầu (CRI) 2020 do Germanwatch công bố, trong giai đoạn 1999 - 2018, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 6 trong số các quốc gia chịu tác động tiêu cực nhất của BĐKH. Với tổng số 226 vụ do thiên tai gây ra trong 20 năm qua, trung bình mỗi năm Việt Nam có 285 người thiệt mạng và chịu thiệt hại khoảng 2 tỷ USD.

Tác động của BĐKH với các hiện tượng cực đoan như nhiệt độ tăng, hạn hán, nước biển dâng... làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, giảm năng suất cây trồng, vật nuôi, giảm nguồn cung nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến, gia tăng tiêu thụ năng lượng, chi phí sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp. BĐKH cũng có tác động tiêu cực tới hạ tầng kỹ thuật như hệ thống đê biển, hệ thống đê sông, đê bao và bờ bao; các công trình cấp nước; cơ sở hạ tầng đô thị...

Theo số liệu điều tra mới đây của VCCI và Quỹ châu Á, có 10.356 doanh nghiệp tham gia phản hồi về chủ đề BĐKH tại Việt Nam. Trong đó có 8.773 doanh nghiệp dân doanh và 1.583 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Về cơ bản, những hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng kéo dài, nhiệt độ trung bình gia tăng, mưa lớn kèm bão, áp thấp nhiệt đới, ngập lụt... được đa số doanh nghiệp phản ánh. Cụ thể, ba hiện tượng có tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn cao nhất là hiện tượng nắng nóng kéo dài (25,6%), mưa lớn kèm bão/áp thấp nhiệt đới (17,3%) và ngập lụt ở nơi trước đây hiếm khi xảy ra (10,7%).

Tại buổi hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI trình bày kết quả khảo sát về tác động của BĐKH đối với doanh nghiệp Việt Nam

Ngân hàng Thế giới dự báo BĐKH có thể gây ảnh hưởng 1,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam từ nay đến 2050 và sẽ tác động tiêu cực đến thành tựu vĩ mô, cải cách thể chế, đảm bảo mục tiêu bền vững môi trường.

BĐKH được đánh giá có tác động đến nhiều doanh nghiệp ở nhiều khía cạnh. Có gần 100 doanh nghiệp cho biết bị thiệt hại trên 1 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,6% số doanh nghiệp cung cấp thông tin. Khai khoáng, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là những lĩnh vực có các doanh nghiệp cho biết có giá trị tổn thất cao nhất ở tất cả các vùng.

Đối mặt với những tác động của rủi ro thiên tai (RRTT) và BĐKH, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động ứng phó cơ bản như: gia cố, sửa chữa nhà xưởng, khu làm việc; điều chỉnh giờ làm việc tránh thời tiết khắc nghiệt; đào tạo cán bộ, nhân viên về ứng phó, ứng cứu với RRTT và BĐKH; thay đổi chiến lược, phương thức kinh doanh do thách thức từ RRTT và BĐKH… Đáng chú ý là có tới 19% số doanh nghiệp cho biết họ đã nâng cấp công nghệ sản xuất và yêu cầu đối tác kinh doanh cùng có kế hoạch ứng phó với RRTT và BĐKH.

Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam còn sẵn lòng điều chỉnh hoạt động để thân thiện hơn với môi trường. Các doanh nghiệp cho biết trung bình họ có thể bỏ ra khoảng 7,32% chi phí hoạt động cho các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, trong khi các doanh nghiệp FDI thì nhỉnh hơn với tỷ lệ 7,72%.

Tại buổi hội thảo, TS Nguyễn Ngọc Huy, cố vấn cấp cao về BĐKH, đại diện Oxfam Việt Nam đưa ra một số đề xuất có thể áp dụng vào thực tiễn. Theo ông, cần có thêm chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện xây dựng các kế hoạch phòng chống thiên tai bằng cách lồng ghép đánh giá rủi ro khí hậu vào trong đánh giá tác động môi tường (ĐTM). Đề xuất chính sách mở để có các cơ chế hợp tác công tư, trong đó Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong cung cấp dịch vụ đánh giá tác động RRTT, các dịch vụ cung cấp, đào tạo tập huấn cho doanh nghiệp.

Có thể nói, vấn đề phòng, chống BĐKH và RRTT là vấn đề cần được chú trọng, chính quyền nắm vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp ứng phó rủi ro và gia tăng đầu tư thân thiện với môi trường. Các cơ quan quản lý cần tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư kinh danh thuận lợi cho doanh nghiệp để doanh nghiệp an tâm đầu tư, phát trển bền vững.

Ngọc Huyền