Theo đó, ông Đỗ Văn Bình, Trung tâm Nghiên cứu môi trường địa chất (trường Đại học Mỏ - Địa chất) đã trình bày Báo cáo kết quả nghiên cứu bổ sung chất lượng nước khoáng tại lỗ khoan LK7 khu Mớ Đá, thị trấn Bo (xã Hạ Bì cũ), huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Kết quả nghiên cứu đã xác định được đặc điểm cấu trúc địa chất của mỏ, xác định địa tầng chứa nước khoáng khu vực LK7. Từ đó đưa ra đánh giá có cơ sở về nguồn gốc nước khoáng Mớ Đá – loại nước khoáng nóng có giá trị làm nước uống, giải khát.
Hơn nữa, kết quả nghiên cứu bổ sung và kết quả thăm dò trước đây đã xác định được trữ lượng khai thác nước khoáng từ LK7 ở nhiều cấp: cấp B là 526 m³/ngày, cấp C1 là 456 m3/ngày, cấp C2: 329 m³/ngày. Đây là trữ lượng rất đảm bảo cho khai thác bền vững so với yêu cầu của sản xuất hiện nay. Quá trình hút nước bổ sung cho thấy trữ lượng nước khoáng sau hơn 30 năm gần như không thay đổi.
Nguồn nước khoáng nóng vẫn còn nhiều giá trị khai thác
Góp ý cho báo cáo, ông Nguyễn Văn Lâm, Ủy viên Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đề xuất, cần xây dựng đới phòng hộ vệ sinh cho lỗ khoan LK7. Hơn nữa, lỗ khoan có cấu trúc 40 năm nhưng khi đánh giá chưa quan tâm nhiều đến nước khoáng, thành giếng và các ống chống vì thế cần làm rõ hiện trạng của hệ thống khoan này sau 40 năm hoạt động.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia Trần Quý Kiên, chủ đầu tư (Công ty CP Nước khoáng thương hiệu Kim Bôi) cần tham mưu Sở TN&MT và UBND tỉnh Hòa Bình trong việc khoan thủ công, khoan tay cấp nước cho các hộ gia đình; cần tuyên truyền vận động để người dân, doanh nghiệp không gây ô nhiễm nguồn nước chung. Với cơ sở kinh doanh (các công ty du lịch, lữ hành, dịch vụ ngâm tắm) thì buộc phải có giấy phép hoạt động.
Đối với kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng nước khoáng tại lỗ khoan K1 mỏ nước khoáng Phú Ninh thuộc xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, ông Lê Văn Tường, Liên đoàn Địa chất xạ - hiếm cho biết, trữ lượng khai thác nước khoáng tại K1 rất lớn. Theo mục tiêu đề án đặt ra, kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng đã đạt được trữ lượng 407,8 m³/ngày, trong đó: trữ lượng cấp B là 216 m3/ngày; tài nguyên cấp C1: 192 m³/ngày.
Các đại biểu tham gia cuộc họp cũng tham gia góp ý như: cần làm rõ độ tin cậy của 2 phương pháp phân tích năm 2020 và phương pháp phân tích hiện nay; cần thiết có hệ thống ống ở ngoài bảo vệ để tránh thất thoát nhiệt, gây giảm nhiệt độ của nước khoáng; cần có giải pháp quan trắc xem xét sự biến động do hòa trộn vật chất hoặc giảm nhiệt độ của nước khoáng trong quá trình sử dụng.