Hưởng ứng Ngày Quốc tế hành động vì các dòng sông

Thứ sáu, 12/3/2021 | 17:09 GMT+7
Ngày 14/3 hàng năm là Ngày Quốc tế hành động vì các dòng sông. Đây là dịp mọi người trên thế giới chung tay hành động, đấu tranh để bảo vệ các dòng sông, nơi được xem là khởi nguồn của các nền văn minh nhân loại.

Ngày Quốc tế hành động vì các dòng sông được tổ chức với mục tiêu truyền đi thông điệp về những mối đe dọa mà các dòng sông đang gặp phải, cũng như đề ra những giải pháp tốt hơn liên quan đến nước và năng lượng. Đó cũng là dịp để tất cả chúng ta đoàn kết cùng hành động vì những vấn đề môi trường có phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10km trở lên. Các sông suối này nằm trong 108 lưu vực sông được phân bố và trải dài trên cả nước với tổng diện tích lưu vực khoảng 1.168.420km2, trong đó chỉ có 330.990km2 (chiếm 28,3%) diện tích lưu vực nằm trong lãnh thổ nước ta.

Trong tổng số 108 lưu vực sông (LVS) có 33 LVS lớn, liên tỉnh, với 3.140 sông (chiếm 91% số lượng sông của cả nước), tổng diện tích lưu vực nằm trong lãnh thổ nước ta khoảng 306,44 nghìn km2, bằng 92,6% diện tích đất liền của nước ta. Bao gồm 13 LVS lớn và quan trọng, gồm: LVS Hồng - Thái Bình, Bằng Giang - Kỳ Cùng, Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh, Ba, Sê San, Srê Pốk, Đồng Nai, Mê Công.

Một đoạn sông Hồng

Việt Nam nằm cuối nguồn của 5 hệ thống sông lớn gồm: sông Mê Công, sông Hồng, sông Đồng Nai, sông Mã, sông Cả. Ở đầu nguồn của 3 hệ thống sông lớn: sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, sông Sê San, sông Srê Pốk.

Những năm gần đây, ở hạ lưu hầu hết các LVS, tình trạng suy giảm nguồn nước dẫn tới thiếu nước, khan hiếm nước không đủ cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất đang diễn ra ngày một thường xuyên hơn, trên phạm vi rộng lớn hơn và ngày càng nghiêm trọng, gây tác động lớn đến môi trường sinh thái các dòng sông, gia tăng nguy cơ kém bền vững của tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và phát triển xã hội. 

Mặt khác, các hệ sinh thái rừng tự nhiên duy trì nguồn sinh thủy từ thượng nguồn cũng bị suy giảm trên diện rộng do nạn phá rừng; canh tác nông, lâm nghiệp; khai khoáng và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Để bảo vệ các dòng sông, Việt Nam hiện đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm ngăn chặn hành động "ngược đãi” các dòng sông. Mặc dù đã có nhiều quyết sách lớn để bảo vệ các dòng sông nhưng các LVS trên cả nước vẫn đang đứng trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. 

Hiện trên cùng một dòng sông có tới 4 Bộ, ngành giữ vai trò quản lý là: Bộ Công Thương, Bộ TN&MT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Giao thông vận tải. Hệ thống văn bản chính sách đã quy định rõ trách nhiệm cụ thể của các cơ quan trong việc quản lý tài nguyên trên các LVS. Tuy nhiên, vẫn cần sự tham gia, đồng lòng của người dân xung quanh các LVS và mọi người dân trên cả nước nhận thức và có hành động cụ thể bảo vệ các dòng sông.

Thanh Bảo