Tiết kiệm điện năng

Đẩy mạnh chương trình tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải tại miền Bắc

Thứ sáu, 7/4/2023 | 10:51 GMT+7
Khi tham gia vào các chương trình tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải, khách hàng có chi phí mua điện hợp lý hơn, sử dụng ít điện hơn vào khung giờ cao điểm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nhiều khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định trong mùa nắng nóng

Phát biểu tại hội nghị “EVNNPC chung tay cùng khách hàng sử dụng điện tiết kiệm kiệm và hiệu quả” do Tổng công ty Điện lực miền Bắc vừa tổ chức tại Hải Phòng, ông Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, hệ thống điện miền Bắc đã trở thành phần hệ thống điện lớn nhất 3 miền với mức công suất cực đại đạt 22,3 GW và sản lượng đạt 124 tỷ kWh vào năm 2022.

Việc cung cấp điện tại miền Bắc trong các năm tới dự kiến rất khó khăn do nhu cầu sử dụng điện tại miền Bắc có xu hướng tăng nhanh hơn các vùng miền khác trong khi thiếu những nguồn điện mới được triển khai xây dựng. Đặc biệt, trong những ngày cao điểm mùa nắng nóng, phụ tải điện có xu hướng tăng rất cao, đột biến trong khi các nguồn thủy điện và nhiệt điện đều bị giới hạn công suất khả dụng.

Hội nghị “EVNNPC chung tay cùng khách hàng sử dụng điện tiết kiệm kiệm và hiệu quả”

Ông Vũ Anh Phương, Phó Tổng giám đốc EVNNPC cho biết, năm 2022 là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với ngành điện Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Giá nhiên liệu tăng cao khiến việc cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi trên thế giới phải tăng giá điện, tiết giảm cung ứng điện… 

Tuy vậy, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã huy động mọi nguồn lực để đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế, xã hội và nhân dân của 27 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Đưa ra những dự báo tình hình của năm 2023, ông Vũ Anh Phương nhận định, diễn biến thời tiết dự báo sẽ có nhiều đợt nắng nóng cực đoan gay gắt, điện năng tiêu thụ cho sinh hoạt dự báo sẽ tăng cao đột biến, đặc biệt là vào các giờ cao điểm những ngày nắng nóng gay gắt khoảng từ cuối tháng 4 đến tháng 8/2023.

Theo đó, dự báo phụ tải mùa hè năm 2023, qua tính toán Pmax của Tổng công ty sẽ rơi vào khoảng 16.403 MW – 16.943 MW (tương ứng với tăng trưởng 5,5 - 8,8%). Như vậy, trong những ngày nắng nóng cực đoan vào các khung giờ cao điểm, hệ thống điện miền Bắc (gồm 27 tỉnh phía bắc và Thủ đô Hà Nội) có khả năng phải điều tiết giảm 1.400 MW – 2.600 MW, tương đương từ 8,5% - 15%.

Ông Vũ Anh Phương cho biết, đứng trước những khó khăn đó, Tổng công ty Điện lực miền Bắc sẽ nỗ lực tối đa và huy động mọi nguồn lực để chuẩn bị cho việc đảm bảo cung ứng điện của năm 2023 và các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, để có sự chủ động, ứng phó kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra, Tổng công ty rất mong nhận được sự đồng hành, hợp tác của các khách hàng trong việc bố trí lịch sản xuất hợp lý, khoa học, đặc biệt là vào các khung giờ cao điểm để cùng Tổng công ty đảm bảo vận hành hệ thống điện miền Bắc ổn định, an toàn.

Tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng

Chia sẻ tại hội nghị, ông Trương Văn Lợi, Giám đốc Công ty CP Xi măng Long Sơn, Thanh Hóa cho biết, việc thực hiện tiết kiệm điện là tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng.

Công ty Long Sơn sử dụng điện, sản lượng điện 476 triệu kWh, tương đương 40 triệu kWh/tháng. Là một trong những khách hàng tiêu thụ điện lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian, công ty qua đã phối hợp với Công ty Điện lực Thanh Hóa để thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải (DR). 

Từ năm 2019 – 2021, công ty đã thực hiện 5 sự kiện DR với tổng công suất tiết giảm 105 MW. Đặc biệt, trong năm 2022, công ty thực hiện tiết giảm công suất tiết 80 MW vào các khung giờ cao điểm nắng nóng khi thiếu nguồn điện theo yêu cầu của ngành điện.

Nhân viên điện lực hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả

Để phối hợp thực hiện tốt công tác DR, công ty đã phân loại dây chuyền sản xuất ra nhiều hạng mục, qua đó đánh giá các mức độ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty khi các hạng mục này phải ngừng sản xuất, từ đó phối hợp với ngành điện xây dựng quy trình phối hợp giữa hai đơn vị nhằm đảm bảo vận hành an toàn hệ thống lưới điện trong các tình huống, kịch bản thực hiện tiết giảm phụ tải, đặc biệt là trong các trường hợp DR khẩn cấp.

Ông Trần Nhật Minh, Phó Giám đốc Công ty CP Nhựa Tiền phong cho biết, nhu cầu sử dụng điện của Nhựa Tiền phong năm 2022 với công suất trung bình 5.030 kW. Kết thúc năm 2022 lượng điện tiêu thụ là: 43.590.434 kWh.

Để thực hiện tốt giải pháp đồng bộ về quản lý và kỹ thuật để sử dụng điện tiết kiệm, công ty thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị tiêu thụ điện năng để tránh làm hao tổn điện năng. Tiết giảm điện tiêu thụ cho hệ thống khí nén bằng cách lắp biến tần cho động cơ nén khí và khắc phục kịp thời các điểm rò rỉ khí nén trên hệ thống.

Sử dụng tháp giải nhiệt nước với công suất chỉ 7,5 kW thay thế cho máy làm lạnh nước có công suất 40kW để cấp nước làm mát cho các máy tạo hạt. Đầu tư hệ thống máy ép phun mới sản xuất phụ tùng PVC, phụ tùng PE-PPR sử dụng hệ điều khiển biến tần - động cơ servo, có năng suất, hiệu quả sử dụng điện cao và nâng cao năng lực sản xuất.

Tiếp tục thay thế dần các đèn cao áp Halide 250W chuyển sang đèn LED cao áp 120W có hiệu suất phát quang cao tại các khu vực xưởng sản xuất. Ngoài ra, sử dụng 100% đèn chiếu sáng LED tiết kiệm điện 100W, hiệu suất sử dụng cao tại khu vực nhà xưởng mới và đường nội bộ khu vực mới.

Công ty đã ký kết hợp đồng thỏa thuận điều chỉnh phụ tải DR với Công ty Điện lực Hải Phòng, đề xuất phương án điều chỉnh phụ tải một cách linh hoạt khi hệ thống thiếu hụt công suất vào giờ cao điểm. Để thực hiện có hiệu quả chương trình tiết kiệm điện và DR, công ty giao cho bộ phận kỹ thuật điện làm đầu mối, phối hợp với điện lực để trao đổi, cập nhật thông tin trực tiếp từ Công ty Điện lực Hải Phòng.

Khi điện lực thông báo về thời gian có thể điều chỉnh phụ tải, căn cứ tiến độ giao hàng, xây dựng kế hoạch đối với bộ phận sản xuất, bố trí lao động làm việc tăng hoặc giảm ca vào khung giờ thích hợp. Nếu cần tiết giảm toàn bộ công suất cả nhà máy, công ty sẽ bố trí công nhân nghỉ hoặc bố trí bảo dưỡng dây chuyền máy móc.

Đình Tú