Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến, Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam, đèn LED (Light Emiting Diode, tức điốt phát quang) là loại đèn sử dụng các đi-ốt có khả năng phát ra ánh sáng hay tia hồng ngoại, tử ngoại, có nhiều màu sắc khác nhau, thay đổi đa dạng, tuổi thọ đèn cao, không sử dụng các vật liệu độc hại như chì, thủy ngân nên không gây ô nhiễm môi trường.
Trên thị trường hiện nay có nhiều loại đèn LED được sử dụng cho các mục đích khác nhau. Đèn LED trong nông nghiệp là loại đèn chuyên dụng có các bước sóng phổ nằm trong dải từ 380 - 750nm, giúp cây trồng quang hợp một cách tốt nhất, khác hoàn toàn so với đèn LED thông thường.
GS.TS. Dương Tấn Nhựt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên (thuộc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) đồng chủ nhiệm đề tài “Ảnh hưởng của ánh sáng đèn LED lên sự sinh trưởng và phát triển trên ba giống cúc được trồng trong nhà kính” cho biết, đèn LED có đặc điểm chiếu sáng rất tốt, đem lại nguồn năng lượng và ánh sáng cao; có thể chọn lựa bước sóng phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển cho từng đối tượng cây trồng, qua đó giúp gia tăng năng suất tối đa của sản phẩm nông nghiệp.
Chiếu sáng bằng đèn LED sẽ mang lại hiệu suất năng lượng sinh học cao, từ đó kích thích sự phát triển của cây trồng so với các loại bóng đèn truyền thống khác. Đèn LED ít sinh nhiệt chiếu tới cây trồng nên giảm hiện tượng bốc hơi và sẽ cần ít phân bón hơn; điều này cũng đồng nghĩa giảm tiếp xúc nhiều hóa chất khác. Việc giảm sử dụng hormone tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón trong các không gian giới hạn như nhà kính, nhà màng… sẽ tạo môi trường trong lành hơn cho lao động nông nghiệp.
Vào mùa đông, khi thời tiết quá lạnh, đèn LED phát huy tác dụng khi giúp sưởi ấm các loại hoa, để chúng được nở vào đúng thời điểm như hoa đào, hoa ly, hoa lan… Ngoài ra, việc sử dụng đèn LED trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn giúp giảm sử dụng hormone tăng trưởng kích thích cây trồng.
Đèn LED có ích trong việc cải thiện năng suất cây trồng một cách tự nhiên mà không cần phải sử dụng thêm các loại thuốc kích thích hay phân bón hóa học. Ánh sáng của đèn LED phát ra sẽ được cây trồng hấp thụ hoàn toàn, hữu ích cho cây trồng, đồng thời đảm bảo lượng điện năng tiêu thụ hợp lý nhất, GS.TS. Dương Tấn Nhựt cho biết.
Trên thế giới, việc sử dụng đèn LED trong sản xuất nông nghiệp đã được ứng dụng đại trà, nổi tiếng nhất là trang trại rau sạch Green Cents tại Chicago (Mỹ), hay các trang trại trồng hoa tulip ở Amsterdam (Hà Lan)…
Tuy nhiên, ở Việt Nam việc ứng dụng còn tương đối hạn chế, do chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống chiếu sáng khá lớn, người dân còn chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, nên chưa mạnh dạn đầu tư. Đa số nhà vườn vẫn đang sử dụng đèn huỳnh quang (compact) trong sản xuất nông nghiệp. Hiện, công nghệ này mới chỉ dừng lại ở các công trình khoa học hay triển khai thí điểm ở một số nhà vườn được hỗ trợ giá, công nghệ.
Tuy nhiên, theo đánh giá, các loại đèn trên không thể so sánh được với đèn LED về cả chất lượng lẫn hiệu quả kinh tế sau này. GS.TS. Nguyễn Hồng Tiến phân tích, việc sử dụng đèn LED thay thế đèn compact sẽ giảm đáng kể điện tiêu thụ. Ví dụ, 1m2 diện tích cây trồng sẽ tiêu thụ 0,5 kW điện khi dùng đèn compact. Tuy nhiên, nếu dùng đèn LED với cùng diện tích cây trồng thì chỉ tiêu tốn 0,27 kW điện.
Với các ưu điểm nổi bật, dễ tích hợp với các công nghệ điều khiển hiện đại và sử dụng phù hợp với các nguồn năng lượng tái tạo, nên công nghệ LED hoàn toàn có khả năng thay thế các loại đèn truyền thống khác trong sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.