Tiết kiệm điện năng

Hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ những quy định xanh

Thứ sáu, 11/7/2025 | 16:27 GMT+7
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định các công cụ hỗ trợ tài chính, cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư những dự án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu…

Ngày 11/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 9, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2025 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2026.

Theo Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương), trình bày sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. Sau 15 năm triển khai thi hành luật, đến nay đã bộc lộ một số bất cập cần phải rà soát để sửa đổi, bổ sung với các lý do sau:

Thứ nhất, bối cảnh quốc tế có nhiều biến động tạo nên thách thức lớn như: thuế phát thải carbon (ETS), cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới (CBAM) của Liên minh châu Âu sẽ gây sức ép lên thị trường xuất khẩu của Việt Nam, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, nhựa, thép, điện, điện tử chế biến thủy sản. 

Thứ hai, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hiện nay, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đang thiếu các cơ chế tài chính hỗ trợ trong việc tuân thủ những quy định xanh.

Hỗ trợ tài chính, cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư những dự án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. (Ảnh minh họa)

Về mục đích ban hành và quan điểm của Luật, Thứ trưởng thông tin: Thứ nhất, thể chế hóa đầy đủ, hiệu quả các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Thứ hai, nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trước thách thức từ quy định xanh của châu Âu (Green Deal) như thuế phát thải carbon, cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới lên hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu vào thị trường châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản… thông qua các công cụ hỗ trợ tài chính, cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư những dự án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu; thúc đẩy phát triển, mở rộng thị trường cho các ngành dịch vụ tư vấn năng lượng. Thứ ba, góp phần chủ động, tích cực thực hiện các cam kết khi tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã bám sát theo 4 chính sách được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bao gồm:

Chính sách 1: Về nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Chính sách 2: Về quản lý, phát triển đối với dịch vụ tư vấn năng lượng, kiểm toán năng lượng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Chính sách 3: Quy định về chính sách ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Chính sách 4: Chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả kế thừa hầu hết các nội dung được quy định tại 12 chương và 48 điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ban hành năm 2010. Đồng thời, dự án Luật đã sửa đổi 19 điều, bổ sung 1 điều mới.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật tập trung hoàn thiện các chính sách của nhà nước và tăng cường quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tăng cường những biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các cơ sở sản xuất, cung cấp năng lượng; tăng cường trách nhiệm của cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; bổ sung đối tượng dán nhãn năng lượng là vật liệu xây dựng; cũng như hoàn thiện các quy định cho mô hình tổ chức dịch vụ năng lượng.

Đặc biệt, Luật mới ban hành đã bổ sung các ưu đãi và quy định thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đây được xem là cơ chế tài chính tạo sự linh hoạt, thông thoáng nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Về phân cấp, phân quyền, các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã được rà soát, đảm bảo đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ và xem xét thực hiện phân cấp tối đa đối với 3 nội dung bao gồm: thực hiện phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với nội dung ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; thực hiện phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng về nội dung ban hành danh mục phương tiện, thiết bị, vật liệu xây dựng phải dán nhãn năng lượng và lộ trình thực hiện; bãi bỏ nội dung Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được trang bị, mua sắm.

Bên cạnh đó, Luật đã giữ nguyên 1 nội dung về việc Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị phải loại bỏ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, trình độ khoa học và công nghệ của đất nước theo từng thời kỳ.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã thực hiện cắt giảm 2/4 thủ tục hành chính (tỷ lệ cắt giảm 50%) về cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng và cấp chứng chỉ kiểm toán năng lượng, giữ nguyên 2 thủ tục cấp chứng chỉ người quản lý năng lượng và chứng nhận phòng thử nghiệm hiệu suất năng lượng.

Lan Anh