Năng lượng mặt trời

Đẩy mạnh phát triển năng lượng mặt trời kết hợp nuôi tôm

Thứ năm, 25/3/2021 | 15:02 GMT+7
Dự án Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững, công bằng tại Việt Nam (SusV) triển khai tại 3 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã cho thấy những kết quả khả quan trong nuôi trồng thủy sản dưới hệ thống giàn pin năng lượng mặt trời.

Dự án SusV do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, được thực hiện bởi Oxfam tại Việt Nam và Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS). Triển khai từ tháng 3/2016 đến 2/2020 tại 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, dự án nhằm hỗ trợ giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường từ hoạt động nuôi và chế biến tôm tại ĐBSCL, cũng như giảm thiểu những hạn chế trong sản xuất, chế biến và liên kết chuỗi giá trị.

Theo khảo sát, phần lớn những hộ gia đình nuôi tôm sử dụng nguồn điện sinh hoạt để sản xuất tôm, dẫn đến lượng điện tiêu thụ rất lớn, chi phí cao (7% - 10% chi phí sản xuất tùy từng loại hình nuôi). Trong khi đó, khu vực ĐBSCL có tiềm năng lớn để ứng dụng năng lượng mặt trời - nguồn năng lượng bổ sung giúp giảm chi phí, giảm phụ thuộc vào nguồn điện lưới và tăng thu nhập từ hoạt động bán điện dư thừa lên lưới.

Từ những bất cập đó, dự án SusV đã thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đối thoại giữa các bên liên quan, kết nối nhằm thúc đẩy hợp tác dịch vụ năng lượng (ESCO) từ những năm đầu của dự án nhưng chưa đạt được hiệu quả.

Dự án SusV hỗ trợ việc nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững tại ĐBSCL

Do đó, tháng 8/2019, dự án tổ chức Hội nghị thúc đẩy đầu tư năng lượng tái tạo trong ngành tôm Việt Nam tại tỉnh Bạc Liêu với sự tham gia của 600 đại biểu. Hội nghị đã mở ra cơ hội để các bên thảo luận, chia sẻ những thách thức và tìm kiếm giải pháp nhằm thúc đẩy ứng dụng năng lượng tái tạo, chủ yếu là năng lượng mặt trời trong ngành tôm của Việt Nam.

Được biết, kết hợp năng lượng mặt trời trong nuôi tôm đem lại rất nhiều lợi ích, bao gồm: tấm quang điện được lợp trên mái của ao lắng có thể làm giảm nhiệt độ ao, giảm ô nhiễm nước và giảm các chi phí xử lý nước trong nuôi tôm công nghệ cao; giảm chi phí tiền điện; thời gian thu hồi vốn nhanh; giảm phát thải khí nhà kính và góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong cắt giảm phát thải CO2 đến năm 2030; tận dụng được quỹ đất trong nuôi trồng thủy sản; phù hợp với định hướng phát triển bền vững ĐBSCL theo tinh thần nghị quyết 120 của Bộ Chính trị.

Theo đó, trong năm 2019, SusV thúc đẩy hợp tác giữa các công ty dịch vụ năng lượng mặt trời tại Việt Nam với các hộ gia đình, hợp tác xã sản xuất tôm; đồng thời cam kết hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ sản xuất tôm, tương đương 30% tổng chi phí để xây dựng 5 mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời đầu tiên trong ngành tôm Việt Nam.

Tính đến tháng 2/2020, 5 mô hình năng lượng mặt trời nói trên đã được nhân rộng, tăng lên 2.000 kWp theo mô hình hợp tác ESCO; 7 doanh nghiệp chế biến tôm đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, trong đó có 6 doanh nghiệp thực hiện thông qua ký kết hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp công nghệ và ngân hàng cho vay vốn. Số lượng ngân hàng tham gia đầu tư vốn cho các mô hình năng lượng mặt trời tăng từ 1 (ngân hàng HDBank) năm 2018 lên thành 6 ngân hàng trong năm 2020.

Đánh giá cuối cùng của dự án SusV cũng cho thấy, 100% hộ gia đình được hỏi đều mong muốn tiếp tục hoặc sẽ đầu tư xây dựng mô hình năng lượng mặt trời trong thời gian tới để giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập từ nguồn điện bán lên lưới.

PV Năng lượng Sạch Việt Nam đã gặp ông Lâm Minh Lớn, ngụ tại xã Hoà Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng để tìm hiểu về mô hình này. Theo ông Lớn, hàng tháng gia đình phải chi trả khoảng 18 triệu tiền điện để vận hành ao tôm rộng chừng 2.000 m2. Từ cuối năm 2020, sau khi đầu tư 400 triệu lắp điện mặt trời áp mái, ông Lớn tiết kiệm được khoảng 6 - 7 triệu đồng mỗi tháng. “Tôi tính khoảng 5 năm nữa, tôi sẽ thu hồi lại vốn đầu tư vào các tấm pin năng lượng mặt trời. Trong khi đó, hợp đồng ký với bên điện lực kéo dài 20 năm”, ông Lớn chia sẻ. Số tiền đầu tư 400 triệu thì 30% được tài trợ bởi dự án, còn lại vay ngân hàng, công suất tiêu chuẩn của dự án là 25kWh và dùng tới 34 tấm quang năng.

Ông Ngô Công Luận, Phó Giám đốc Hợp tác xã 14/10 đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để tiết kiệm điện trong nuôi tôm

Trước đó, Ngô Công Luận, Phó Giám đốc Hợp tác xã 14/10 đã mạnh dạn lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời khi có Chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (MCRP) hỗ trợ 120 triệu đồng. Mỗi tháng, nhà ông sản xuất được 25 kWh điện, thu về khoảng 5,7 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn lắp đặt thêm 1 hệ thống 27,5kWh nữa bằng nguồn vốn của gia đình. 

Tiết kiệm điện trong nuôi tôm vẫn luôn là một vấn đề đau đầu đối với ngành điện. Theo nghiên cứu, 1 tấn tôm thâm canh sẽ tiêu thụ 4.172 kWh điện. Với năng suất 40 tấn tôm một năm, tính riêng ruộng tôm nhà ông Luận tiêu tốn gần 167.000 kWh điện. Với công suất 2 hệ thống trên hơn 50kWh, ông Luận đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí sử dụng điện, tăng hiệu quả năng suất tạo ra một sản phẩm chất lượng cao, sạch một cách toàn diện.

Công ty TNHH MTV Long Mạnh, huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu là một trang trại nuôi tôm rộng 4ha, ước tính sản lượng tôm hàng năm đạt khoảng 75 - 80 tấn, doanh thu khoảng 20 tỷ đồng. Sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu sang châu Âu vì vậy, công ty phải chú ý đến các tiêu chí xuất khẩu, trong đó có những tiêu chí về môi trường.

“Sử dụng điện mặt trời là một tiêu chí rất quan trọng để đạt được chứng chỉ ASC (Aquaculture Stewardship Council - Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản). Khách hàng sẽ đánh giá rất cao nếu chúng ta quan tâm đến vấn đề môi trường”, ông Long Văn Nghĩa, chủ doanh nghiệp cho biết thêm.

Ông Nghĩa cũng được hưởng lợi từ dự án khi được tài trợ 120 triệu đồng để xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái trên đầm tôm, công suất 24kWh.

Ông Long Văn Nghĩa (bên trái) trao đổi với TS Nguyễn Ngọc Huy, cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam về mô hình nuôi tôm kết hợp sử dụng năng lượng mặt trời

Việc ứng dụng năng lượng tái tạo vào nuôi tôm ở khu vực ĐBSCL là một hướng đi đúng, khi mà con tôm được nuôi dưỡng trong một môi trường nước đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, mang lại nguồn lợi lớn cho người dân, doanh nghiệp và đất nước. Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng mặt trời kết hợp nuôi tôm vẫn còn tồn đọng nhiều rào cản, vướng mắc. Đó là chưa có hướng dẫn về thủ tục, chính sách nên người nuôi tôm nhỏ lẻ chưa tiếp cận được thông tin; chưa có khuyến khích của nhà nước về loại hình này; vốn đầu tư ban đầu khá cao gây khó cho các hộ nuôi trồng quy mô nhỏ; thủ tục vay ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp; truyền thông còn hạn chế, ít người biết đến; giá bán điện theo các thời gian đấu nối hệ thống với lưới điện quốc gia không cố định.

Đăng Thái – Thanh Tâm