Năng lượng mặt trời

Khảo sát về chuyển dịch năng lượng ở 4 tỉnh Trung và Nam Bộ

Thứ tư, 24/3/2021 | 17:46 GMT+7
Ngày 24/3, tại Hà Nội, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) phối hợp với tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức hội thảo công bố kết quả nghiên cứu Xây dựng tương lai công bằng ở Việt Nam bằng năng lượng mặt trời.

Tại hội thảo, TS. Lê Hoàng Anh, Viện Năng lượng công bố kết quả nghiên cứu Xây dựng tương lai công bằng ở Việt Nam bằng điện mặt trời, nghiên cứu thí điểm tại 4 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Bạc Liêu. Theo kết quả thu được, năm 2020 cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành năng lượng tái tạo, cụ thể là năng lượng mặt trời. Tính riêng năm ngoái, cơ cấu ngành điện năng lượng mặt trời đã tăng lên nhanh chóng (chiếm 24% công suất của toàn hệ thống điện). Đây là điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình chuyển dịch năng lượng một cách bền vững hơn và tiến đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Bà nhấn mạnh, nghiên cứu trên tập trung chủ yếu vào vấn đề kinh tế - xã hội, đặc biệt là người dân. Có thể nói đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên đánh giá tác động xã hội của điện mặt trời trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. 

Khảo sát và phỏng vấn được thực hiện trong phạm vi 4 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Bạc Liêu, cụ thể là trong 5 nhà máy lớn, 6 cơ sở điện mặt trời mái nhà, 5 cơ sở sản xuất điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp và một số hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời.

Theo đó, tính đến 31/12/2020, tổng công suất điện mặt trời đạt 16.640 MW. Trong đó, công suất ở những nhà máy, trang trại lớn chiếm 8.860 MW; điện mặt trời mái nhà chiếm 7.780 MW/101.029 hệ thống.

Về kết quả nghiên cứu ở tỉnh Ninh Thuận, trước đó Chính phủ đã có chủ trương phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Sau đó tỉnh này được hưởng biểu giá FiT 2 cao hơn các khu vực khác, lên đến 2.086 VND/kWh. Dự trên thuận lợi đó, ở Ninh Thuận đã có 32 dự án điện mặt trời quy mô lớn có công suất 2,5 GWp. Với sự phát triển mạnh mẽ của điện mặt trời, Ninh Thuận từ một tỉnh nghèo nay đã nằm trong Top 5 tỉnh có tốc độ phát triển lớn nhất của cả nước năm 2020.

Tỉnh thứ hai được khảo sát là Bình Thuận, một tỉnh có mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng của cả nước. Tỉnh hiện có 22 nhà máy điện mặt trời có tổng công suất là 940 MW tính trong năm 2020. Tuy nhiên, tỉnh đang gặp một vấn đề, đó là công suất lắp đặt quá lớn (5.700 – 6.800 MW) nhưng nhu cầu phụ tải thấp (250 – 280 MW).

Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4 tại Bình Thuận

Trước 30/06/2019, tỉnh Đắk Lắk chỉ có 237 hệ thống với công suất 18,26 MWp nhưng đến cuối năm 2020 con số này đã tăng lên đáng kể với 7 nhà máy quy mô lớn (1030 MWp), hơn 5.350 hệ thống điện mặt trời mái nhà (649,63 MWp). Đắk Lắk cũng là địa điểm nổi bật với phát triển điện mặt trời mái nhà kết hợp với nông nghiệp với mái các trang trại, nhà xưởng và trường học.

Với Bạc Liêu, tỉnh đang có mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hơn nữa, Bạc Liêu cũng đang nằm trong danh sách các tỉnh ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao nên tỉnh đã nhân rộng mô hình điện mặt trời kết hợp với các trang trại nuôi tôm. Việc kết hợp này đã giúp giải quyết nhu cầu tiêu thụ điện cho nuôi tôm công nghệ cao, bao gồm chi phí cho hệ thống sục khí, xử lý nước thải, bơm nước… lên đến hàng trăm triệu đồng.

Kết quả khảo sát còn cho thấy nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế - xã hội. Những nhà máy điện mặt trời ở các tỉnh trên đã giúp giải quyết vấn đề việc làm cho nhiều lao động nữ, lao động dân tộc thiểu số; tạo ra nhiều công việc thời vụ và công việc mới với mức thu nhập cao.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, diện tích quỹ đất cho lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời hiện chiến 16.769ha, trong đó 1.821ha là đất rừng, 291ha là đất nông nghiệp. Việc mở rộng quỹ đất trong tương lai có thể làm thay đổi môi trường sống của con người và hệ sinh thái của các loài động vật. Mặt khác, việc không nhất quán trong thỏa thuận cho thuê, đền bù, đấu thầu hoặc mua bán đất có thể gây mâu thuẫn trong nhân dân.

Theo đó, bà Lê Hoàng Anh đề xuất một số kiến nghị như: cần có kế hoạch tổng hợp; chiến lược đầu tư công, tư rõ ràng; có cơ chế xây dựng cạnh tranh; chú trọng trách nhiệm xã hội hơn từ các chủ dự án; nâng cao nhận thức về năng lượng tái tạo trong cộng đồng.

Thanh Tâm