Đẩy mạnh tuyên truyền về ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu trung hòa carbon

Thứ năm, 21/9/2023 | 16:30 GMT+7
Ngày 21/9, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức hội thảo Tuyên truyền, trao đổi về ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu trung hòa carbon theo cam kết tại Hội nghị COP26.

Diễn ra tại Lào Cai, hội thảo nhằm phổ biến các quy định pháp luật, chính sách về ứng phó biến đổi khí hậu và các cơ hội từ biến đổi khí hậu mang lại, qua đó thúc đẩy triển khai nhiều hoạt động ứng phó hiệu quả, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Mai Kim Liên cho biết, biến đổi khí hậu đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, thách thức lớn nhất đối với nhân loại, đã và đang tác động đến mọi mặt: kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu. Mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng để hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu để giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Quang cảnh hội thảo

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cùng 124 nguyên thủ quốc gia đưa ra cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Cam kết đã mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, hài hòa với tự nhiên. Để thực hiện cam kết, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; phê duyệt đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26. Trong đó chú trọng vào hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải mới; phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng, công nghệ thu, giữ và sử dụng carbon. Ưu tiên thúc đẩy giảm phát thải trong giao thông và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển đô thị và công trình xây dựng xanh; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp; bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng; bảo vệ, phục hồi các nguồn tài nguyên, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nhiều nhiệm vụ, giải pháp về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực, truyền thông; thúc đẩy ngoại giao khí hậu cũng được đề ra cụ thể.

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lào Cai Vũ Đình Thủy, đối với tỉnh Lào Cai nói riêng và các địa phương khác trong cả nước nói chung, việc triển khai các chính sách về biến đổi khí hậu, quy định về giảm thiểu phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về “0”, phát triển thị trường carbon... còn đang gặp phải nhiều trở ngại, khó khăn. Theo đó, việc tăng cường các hoạt động tuyên truyền sẽ giúp các cấp, các ngành của địa phương xây dựng, triển khai những hành động tốt nhất, hiệu quả nhất trong thực hiện nhiệm vụ về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu rủi ro thiên tai, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng dân cư.

Tại hội thảo, lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục Biến đổi khí hậu cùng đại biểu tham dự đã được nghe tuyên truyền giới thiệu các quy định pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu; cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam và lộ trình thực hiện; quy định pháp luật về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ở Việt Nam hướng tới phát thải ròng bằng “0”; phát triển thị trường carbon tại Việt Nam... Đại diện các Sở, ban, ngành tỉnh Lào Cai và các tỉnh phía Bắc cũng cùng trao đổi, thảo luận về các vướng mắc, khó khăn, đưa ra đề xuất và kiến nghị những giải pháp thúc đẩy việc triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu trung hòa carbon.

Thanh Bảo