Trong nước

Đề xuất Ngân hàng Thế giới tiếp tục hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam

Thứ tư, 23/6/2021 | 16:53 GMT+7
Ngày 23/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan làm việc với bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam về một số vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp Việt Nam.

Bà Carolyn Turk cho biết, WB là đối tác phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT trong 25 năm qua và mong muốn mối quan hệ này càng gắn bó hơn trong thời gian tới. Hiện nay, các yếu tố tác động từ vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng được quan tâm trong thương mại nông sản. Việt Nam là quốc gia có sản lượng gạo lớn, xuất khẩu ở nhóm hàng đầu thế giới nhưng cũng là sản phẩm có lượng phát khải carbon lớn. WB hy vọng có thể phối hợp với Việt Nam để khiến ngành nông nghiệp trở thành ngành phát thải carbon thấp trong tương lai.

Đánh giá cao vai trò của nông nghiệp bền vững, bà Carolyn Turk cho rằng, trong tương lai, bên cạnh vấn đề an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cũng ưa chuộng và sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm nông sản có lượng phát thải carbon thấp.

Theo đó, bà Carolyn Turk cam kết, WB sẵn sàng tiếp tục làm việc với Bộ NN&PTNT trong hỗ trợ nguồn tài chính để có thêm những dự án trong tương lai; đặc biệt cần đẩy nhanh tiến độ dự án để tránh trở nên lỗi thời, không còn phù hợp.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ NN&PTNT với WB

Đồng tình với những ý kiến của Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, nông nghiệp Việt Nam đứng trước 3 chữ "biến" rất lớn gồm: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế của tiêu dùng thế giới. Hiện nay, người tiêu dùng không phải mua nông sản bằng giá cả mà họ mua bằng giá trị của nó. Giá trị của nông sản bao gồm rất nhiều vấn đề như chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…

"Ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Việt Nam đã định vị mục tiêu phát triển nông nghiệp là hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, nền nông nghiệp phát triển bền vững có trách nhiệm. Chúng tôi đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tạo sự kết hợp đa giá trị”, ông Lê Minh Hoan cho biết.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, tài liệu về Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam do WB biên soạn đã chỉ ra được những thành tựu và điểm nghẽn của nông nghiệp Việt Nam. Trong đó có nhiều mô hình trên thế giới mà Việt Nam có thể học hỏi.

Bộ trưởng mong muốn Việt Nam sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ, tư vấn của WB và các chuyên gia trong quá trình xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp. Từ đó, Việt Nam sẽ nhân rộng ra các vùng miền khác nhau để cải thiện đời sống của bà con nông dân.

Bộ trưởng cũng đề nghị WB hỗ trợ tư vấn chính sách, chiến lược, đổi mới thể chế để khơi gợi được hết sức mạnh của hai khu vực công - tư, của doanh nghiệp nông nghiệp và người nông dân, các hợp tác xã. Từ đó xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững.

"Chính phủ Việt Nam đã có nghị quyết về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề liên quan tới chuyển đổi mô hình nông nghiệp thích ứng với suy giảm tài nguyên nước, thời tiết cực đoan. Cần có sự thay đổi trong phát triển nông nghiệp ở khu vực này, không chỉ độc tôn cây lúa mà cần có các mô hình tích hợp đa giá trị hơn. Đơn canh xen lẫn đa canh, thâm canh xen lẫn quảng canh, những mô hình thích ứng với từng vùng sinh thái, vùng ngọt, vùng lợ, vùng mặn", ông Lê Minh Hoan chia sẻ.

Từ đó, lãnh đạo ngành nông nghiệp đưa ra các hướng cần WB ưu tiên hỗ trợ như: phòng chống thiên tai, an toàn hồ đập và các hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất, đặc biệt là nước sạch, môi trường nông thôn. Đồng thời đề nghị tổ chức phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các nội dung, đề xuất đối với việc hỗ trợ các tỉnh trong xây dựng dự án mới và điều phối với các Bộ, ngành trong việc trình duyệt. WB cũng cần tiếp tục ủng hộ, phối hợp với Bộ NN&PPTNT trong xây dựng, hoàn thiện đề xuất các dự án vốn vay đã bàn thảo; các định hướng ưu tiên trong lĩnh vực thủy sản, an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thanh Bảo (T/H)