Kinh tế xanh

Đề xuất cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn

Thứ hai, 6/1/2025 | 16:30 GMT+7
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm mục đích sớm tạo dựng khung khổ pháp lý đồng bộ, thuận lợi ở cấp độ thử nghiệm để khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư cụ thể hóa sáng kiến, dự án kinh tế tuần hoàn ở các ngành, lĩnh vực được lựa chọn thử nghiệm, trên cơ sở đó minh chứng lợi ích từ mô hình kinh tế tuần hoàn để tạo lan tỏa cho quá trình chuyển đổi xanh và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo dự thảo, cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn là một môi trường thử nghiệm hạn chế, bị giới hạn về phạm vi và thời gian, trong đó các tổ chức tham gia có thể thử nghiệm các mô hình, giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực cụ thể theo quy định tại nghị định này và chịu sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kiểm soát các rủi ro trong quá trình thử nghiệm.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn, bền vững

Mục tiêu của cơ chế thử nghiệm là tạo môi trường thử nghiệm có kiểm soát cho chuyển đổi, phát triển, vận hành thành công các dự án tham gia cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả kinh tế và cải thiện việc làm, thu nhập cho người lao động trong quá trình tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tiếp cận, thử nghiệm, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, các giải pháp chuyển đổi số, công nghệ mới hiện đại, có tính đột phá, thích ứng với các xu hướng lớn trên toàn cầu, thân thiện với chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, phù hợp với xu hướng phát triển xanh, bền vững, tích hợp linh hoạt giữa các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, năng lượng, vật liệu xây dựng trên nền tảng đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, hiệu quả kinh tế bền vững, hạn chế tình trạng lãng phí các nguồn tài nguyên không tái tạo như: đất và nước, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xây dựng nền tảng nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm tạo ra từ dự án kinh tế tuần hoàn, cải thiện năng suất, cơ cấu lao động ổn định, thiết lập tính chủ động, tăng khả năng chống chịu, thích ứng đối với các yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng, thay đổi chính sách thương mại và các quy định, hàng rào kỹ thuật ở các thị trường xuất nhập khẩu.

Hạn chế rủi ro xảy ra đối với các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã và người lao động khi phát triển, chuyển đổi sang các dự án kinh tế tuần hoàn chưa được quy định trong khung khổ pháp lý, quy định quản lý chính thức.

Kết quả triển khai cơ chế thử nghiệm được sử dụng làm căn cứ thực thực tiễn để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý, quy định quản lý chính thức. Các chính sách thử nghiệm không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo này tại Cổng thông tin điện tử của Bộ.

Lan Anh