Kinh tế xanh

Sẽ ban hành về Hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia

Thứ hai, 11/11/2024 | 14:19 GMT+7
Hệ thống ngành kinh tế xanh, đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các hoạt động kinh tế bền vững và thân thiện với môi trường.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi văn bản đến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương để xin ý kiến dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và Hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia.

Sự cần thiết ban hành Hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia

Trong những năm gần đây, xu thế xây dựng Hệ thống ngành kinh tế xanh đang ngày một phổ biến trên toàn cầu. Nhiều quốc gia và tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ đã tích cực tham gia vào xây dựng, phát triển nhiều Hệ thống ngành kinh tế xanh, đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các hoạt động kinh tế bền vững và thân thiện với môi trường.

Sự phổ biến của các Hệ thống ngành kinh tế xanh trên toàn cầu phản ánh nhu cầu ngày một rõ rệt cho các khung tiêu chuẩn hướng dẫn các nhà đầu tư, tổ chức chính phủ và doanh nghiệp đưa ra các quyết định có trách nhiệm với môi trường. Những Hệ thống phân loại này đóng vai trò trọng yếu trong việc thúc đẩy tính minh bạch, đồng bộ và uy tín trong các hoạt động kinh tế xanh.

Tại Việt Nam, thúc đẩy Tăng trưởng xanh (TTX) là một trong những phương hướng, nhiệm vụ đã được đề ra trong nhiều văn bản định hướng, chỉ đạo của Trung ương như: Quyết định số 1658/QD-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22 tháng 07 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban chấp hành trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường: Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị; và các chiến lược của các ngành, lĩnh vực đặc thù được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Nền nông nghiệp tuần hoàn là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế xanh 

Như vậy, một hệ thống phân loại xanh quốc gia mang tính bao trùm trong phạm vi và phương pháp tiếp cận, gắn kết chặt chẽ với Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VSIC), sẽ là công cụ quan trọng trong quá trình do lường thống kê phản ánh hiện trạng của nền kinh tế xanh, hỗ trợ triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, tạo khung pháp lý để tham chiếu trong việc xây dựng cơ chế chính sách trong thời gian tới.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và Hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia được ban hành để áp dụng trong công tác thống kê, từ bước thu thập thông tin, xử lý thông tin và tổng hợp kết quả, phân tích và dự báo, phổ biến thông tin thống kê, đến bước tư liệu hóa và đánh giá chất lượng; bảo đảm thông tin được thu thập, biên soạn số liệu thống kê theo ngành kinh tế. Việc ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và Hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia là cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo chính quyền các cấp.

Hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia xác định dựa trên các nguyên tắc sau: Căn cứ vào 04 mục tiêu về môi trường gồm: (1) Giảm thiểu biến đổi khí hậu; (2) Thích ứng với biến đổi khí hậu; (3) Bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học; (4) Khả năng phục hồi tài nguyên và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Nguyên tắc này phù hợp với nguyên tắc, mục tiêu của phân loại xanh ASEAN.

Dự thảo có 11 ngành kinh tế cấp 1 thuộc Hệ thống ngành kinh tế xanh

Hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia gồm ngành kinh tế xanh, ngành kinh tế chuyển đổi sang xanh và ngành kinh tế phụ trợ.

Ngành kinh tế xanh là ngành gồm các hoạt động kinh tế có khả năng đạt được một trong các mục tiêu tăng trưởng xanh và không gây hại đáng kể với các mục tiêu khác. Mặt khác, là ngành chuyển đổi sang xanh là ngành gồm các hoạt động kinh tế gây hại hoặc có thể gây hại với một số mục tiêu, tuy nhiên các ngành này đóng góp đáng kể đối với nền kinh tế Việt Nam, do đó cần khuyến khích chuyển đổi hoặc cần có kế hoạch khắc phục toàn diện. Ngành kinh tế phụ trợ là các ngành gồm các hoạt động kinh tế đạt được các mục tiêu TTX một cách gián tiếp, có tác động phụ trợ cho các ngành xanh.

Các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý và các doanh nghiệp tham gia Diễn đàn đầu tư Chuyển đổi xanh bền vững tại tỉnh Lâm Đồng 

Theo dự thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Danh mục ngành kinh tế xanh quốc gia gồm 11 ngành kinh tế cấp 1, bao gồm: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải; Xây dựng; Vận tải và kho bãi; Hoạt động xuất bản, phát thanh, sản xuất và phân phối nội dung; Viễn thông; lập trình máy vi tính, tư vấn máy vi tính và các hoạt động dịch vụ thông tin khác; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; Hoạt động kinh doanh bất động sản; Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ.

Một ngành kinh tế được xác định là ngành kinh tế xanh khi ngành đó đáp ứng được ít nhất một trong các mục tiêu bảo vệ môi trường và không gây tác động tiêu cực nào đến các mục tiêu bảo vệ môi trường khác. Gồm: Giảm thiểu biến đổi khí hậu; Thích ứng với biến đổi khí hậu; Bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học; Khả năng phục hồi tài nguyên và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.

Minh Đạo
: kinhtexanh