Theo thông tin tại hội thảo, chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu, khách quan, không thể đảo ngược và là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vào tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, khẳng định tăng trưởng xanh là một trong những yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam còn ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến chuyển đổi xanh như: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững…
Việt Nam cũng tham gia tích cực, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế trong hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu như: cam kết tại Hội nghị COP26 về phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050; tham gia sáng kiến Phát thải ròng bằng “0” châu Á (AZEC); Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam…
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/11/1/tai-chinh-xanh-2-20241101114207689.jpg)
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn. Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Lê Xuân Sang chỉ ra rằng, trong bối cảnh mới tại Việt Nam, việc phát triển thị trường tài chính xanh sẽ gặp phải nhiều thách thức liên quan đến biến động địa chính trị, kinh tế, gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu dùng, sản xuất xanh. Do đó, để giải quyết những thách thức trên, Nhà nước cần xây dựng cụ thể các hạng mục dữ liệu, thông tin thị trường, danh sách trái phiếu/cổ phiếu, tín dụng xanh với các định nghĩa pháp lý rõ ràng, tiêu chí chặt chẽ trong huy động vốn và chính sách khuyến khích nhằm đáp ứng kỳ vọng, lợi ích của các nhóm đầu tư trong và ngoài nước. Chính phủ cần xác lập quy định trong việc khai thác thị trường tài chính truyền thống, tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới, hướng đến phát triển bền vững thị trường tài chính xanh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi các vấn đề then chốt về tài chính xanh như: kinh nghiệm nước ngoài phù hợp áp dụng tại Việt Nam về thị trường tài chính xanh; làm rõ khó khăn, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, pháp luật đối với sự phát triển của thị trường tài chính xanh.
Qua đó, các đại biểu đề xuất kiến nghị giải pháp cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội cho các nhóm doanh nghiệp dẫn đầu nhằm thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh tại Việt Nam; chú trọng những giải pháp khơi thông dòng chảy, thu hút nguồn lực tài chính từ khu vực kinh tế tư nhân trong nước cho các dự án xanh, chuyển đổi xanh quy mô lớn, mang tầm quốc gia.