Sắc màu cuộc sống

Di sản Đà Lạt: Vị thế, trách nhiệm bảo tồn và phát triển

Thứ năm, 28/12/2017 | 11:57 GMT+7
Ngày 27/12, tại Khách sạn Swissbel - Resort Tuyền Lâm Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo “Phát triển đô thị Đà Lạt gắn với bảo tồn theo định hướng quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Thành phố Đà Lạt sau gần 125 năm hình thành và phát triển, hiện nay vẫn còn nhiều công trình xây dựng giá trị về kiến trúc. Đó là trường Cao đẳng sư phạm (trước là trường Lycee Yersin), công trình được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) công nhận là Di sản Văn hóa Quốc gia, Hội Kiến trúc sư Thế giới (UIA) xếp vào danh sách 1.000 công trình tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ XX. Ga xe lửa Đà Lạt, công trình là nhà ga duy nhất tại Việt Nam được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản Văn hóa Quốc gia. Ngoài ra, đó còn là các dinh thự đặc biệt (Dinh I, Dinh II, Dinh III), 17 biệt thự khu Lê Lai, 24 biệt thự đường Trần Hưng Đạo, 17 công trình công cộng, 12 công trình tôn giáo, tín ngưỡng và 315 biệt thự.

Trường Cao đẳng sư phạm một trong 1.000 tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ XX

Trao đổi tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định, thành phố Đà Lạt là một đô thị với 4 đặc điểm đặc trưng mà không có một đô thị nào ở Việt Nam sánh được, bao gồm: khí hậu, thiên nhiên, văn hóa bản địa và kiến trúc. Đây là 4 “tài nguyên” đặc biệt giá trị làm nên 4 mảng màu sắc của bức tranh đặc trưng Đà Lạt. Vì vậy, Đà Lạt với hơn 110 ha thông ba lá, nhiều mặt hồ nước, nhiều kiểu dáng kiến trúc đẹp theo địa mạo… vừa tạo nên sự hiền hòa, mát mẻ vừa hấp dẫn cho mỗi người đến đây.

Biệt thự Phi Ánh (thứ phi của Vua Bảo Đại) công trình được kiến trúc độc đáo theo phong cách Tây Ban Nha

Nhiều tham luận đánh giá thẳng thắn về tính khả thi cũng như tính tiêu cực trong quy hoạch mất cân bằng sinh thái của đô thị Đà Lạt. Nhiều tham luận cũng làm rõ những kinh nghiệm về tính chất của đô thị sinh thái, đô thị xanh, theo đó, phân tích những ưu điểm và nhược điểm tại Quyết định 704/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Ga xe lửa Đà Lạt – công trình nhà ga duy nhất ở Việt Nam được công nhận là Di sản Văn hóa cấp quốc gia

Các đại biểu cũng khẳng định, đô thị Đà Lạt phát triển từ trước đến nay vẫn cơ bản thống nhất trong cơ chế đặc thù được phát huy. Trong đó, yếu tố di sản là một trụ cột phát triển bền vững. Vấn đề bảo tồn được tập trung bàn thảo sôi nổi, đặc biệt, bảo tồn không gian kiến trúc đô thị về trung tâm, cây xanh, mặt nước, trục di sản... Tuy nhiên, các nhà chuyên gia và nhà khoa học cho rằng, rất cần mở rộng đô thị Đà Lạt (như Quyết định 704), theo đó, phát triển dãn rộng ra, không cao tầng hóa ở khu vực trung tâm như hiện nay…

Cụm biệt thự khu Lê Lai kết hợp bảo tồn và phát huy phát triển du lịch có hiệu quả 

Hồ Xuân Hương - “trái tim” của trung tâm thành phố Đà Lạt, là hồ hiếm hoi ở Việt Nam nằm giữa lòng đô thị

Đại biểu sôi nổi và thẳng thắn bàn về bảo tồn đô thị Đà Lạt      

Phan Minh Đạo