Hội thảo nhằm tìm kiếm, xác định các khuyến nghị, giải pháp tiềm năng trong phát triển mô hình thành phố thông minh, giải pháp kỹ thuật hỗ trợ việc xây dựng và quản trị mô hình thành phố thông minh.
Tại hội thảo, các chuyên gia chia sẻ và thảo luận về nội dung xoay quanh việc ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực phát triển đô thị thông minh như chuyển đổi xe điện, xe máy điện, xe buýt điện trong lĩnh vực giao thông, logistics nhằm giảm khí thải, tăng hiệu quả kinh doanh. Các chuyên gia cũng đề xuất phương thức phát triển giao thông thông minh, tối ưu hóa quy hoạch; ứng dụng công nghệ để phát triển mô hình nhà thông minh, ứng dụng AI trong y tế, chuyển đổi số…
Theo ông Vũ Tuấn Anh, chuyên gia chuyển đổi số, thành phố thông minh là nền tảng mở kết nối các đơn vị chính phủ/tổ chức/doanh nghiệp kiến tạo các giá trị dưa trên công nghệ cho người dân theo nguyên tắc bền vững, xanh, sạch, tuần hoàn, bao trùm, công bằng, minh bạch… Phát triển thành phố thông minh cần dựa trên các trụ cột quan trọng là: công dân thông minh, nhà thông minh, chính phủ thông minh, cơ sở hạ tầng thông minh và năng lượng xanh, sạch và bền vững.
![](/userfile/User/dohuong/images/2024/10/24/can-tho-20241025154841050.jpg)
Định hướng phát triển công nghệ để thích ứng với biến đổi khí hậu, quản trị thành phố thông minh. (Ảnh minh họa)
Trình bày tham luận “Giao thông thông minh - Giảm thiểu phương tiện cá nhân để cải thiện môi trường không khí”, PGS.TS Nguyễn Võ Châu Ngân, trường Đại học Cần Thơ cho biết, mặt trái của quá trình đô thị hóa là vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có lượng khí thải phát sinh từ các loại xe mô tô, xe gắn máy (gọi chung là xe máy).
Qua khảo sát 100 người dân sử dụng xe máy ở các quận trung tâm TP Cần Thơ, gần 40% có ý định chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, 62% mong muốn sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay thế xe cá nhân nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, di chuyển an toàn, tiết kiệm chi phí.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do xe máy, thu hút người dân đi phương tiện công cộng, ông Nguyễn Võ Châu Ngân cho rằng, cần ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, tạo điều kiện cho người dân sử dụng phương tiện xanh, quy hoạch giao thông công cộng kết hợp hiện đại hóa hạ tầng như bãi giữ xe, lối đi bộ, trạm dừng. Đồng thời, giảm phương tiện cá nhân và khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng.
Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ bằng tiền hoặc giảm thuế, phí cho người dân chuyển đổi từ xe xăng qua xe máy điện, ưu đãi về giá giữ xe, vé cầu đường xe máy điện. Tiến hành đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen sử dụng xe máy xăng, chuyển đổi sang phương tiện xanh để giảm ô nhiễm môi trường.
Trao đổi tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, để ứng dụng công nghệ vào phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, phát triển đô thị thông minh, giao thông thông minh, cần kịp thời ban hành các cơ chế chính sách và hành lang pháp lý phù hợp, quan tâm đến công tác quy hoạch, đầu tư, thu hút các nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông để khuyến khích doanh nghiệp, người dân nhận thức được tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, xây dựng đô thị thông minh và cùng tích cực tham gia.