Ngày 28/3, tại thành phố Đà Lạt, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức Hội thảo Tham vấn, lấy ý kiến góp ý định hướng thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2026-2030 (khu vực các tỉnh vùng Tây Nguyên). Tham dự Hội thảo có Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, đại diện 5 tỉnh Tây Nguyên.

Toàn cảnh Hội thảo
Cả nước có 77,9% xã đạt chuẩn nông thôn mới
Thông tin chung về kết quả thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 toàn quốc như sau. Đến tháng 03/2025, cả nước đã có 5.995/7.696 xã (77,9%) đạt chuẩn NTM (tăng 9,8% so với cuối năm 2021 và đạt 97,5% mục tiêu giai đoạn 2021-2025 được giao), trong đó, có 2.352 xã (39,2%) đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 1.249 xã so với cuối năm 2021, đạt 98% mục tiêu giai đoạn 2021-2025 được giao) và 597 xã (9,95%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 554 xã so với cuối năm 2021, đạt 99,5% mục tiêu giai đoạn 2021-2025 được giao).
Lũy kế có 305/645 đơn vị cấp huyện (47,2%) thuộc 59 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (tăng 92 đơn vị so với cuối năm 2021, đạt 94,7% so với mục tiêu giai đoạn 2021-2025 được giao), trong đó, đã có 20/219 huyện đã đạt chuẩn NTM được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 20 huyện so với cuối năm 2021, đạt khoảng 45% mục tiêu giai đoạn 2021-2025 được giao).
Có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (đạt 29,4% mục tiêu giai đoạn 2021-2025 được giao). Hiện nay, Hội đồng thẩm định Trung ương đã hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ NTM.
Kết quả đạt chuẩn NTM theo từng vùng, miền
Vùng Trung du miền núi phía Bắc: có 1.030/1.947 xã (52,9%) đạt chuẩn NTM (tăng 10,4% so với cuối năm 2021), trong đó có 268 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 230 xã so với cuối năm 2021) và 61 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 57 xã so với cuối năm 2021); bình quân vùng đạt 15,4 tiêu chí/xã (tăng 0,8 tiêu chí so với cuối năm 2021).
Vùng Đồng bằng sông Hồng: có 1.485/1.485 xã (100%) đạt chuẩn NTM (tăng 0,8% so với cuối năm 2021), trong đó có 845 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 676 xã so với cuối năm 2021) và 313 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 291 xã so với cuối năm 2021); bình quân vùng đạt 19 tiêu chí/xã.
Vùng Bắc Trung Bộ: có 1.040/1.275 xã (81,6%) đạt chuẩn NTM (tăng 13,2% so với cuối năm 2021), trong đó có 296 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 237 xã so với cuối năm 2021) và 62 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 55 xã so với cuối năm 2021); bình quân vùng đạt 17,7 tiêu chí/xã (tăng 0,5 tiêu chí so với cuối năm 2021).
Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ: có 563/766 xã (73,5%) đạt chuẩn NTM (tăng 9,9% so với cuối năm 2021), trong đó có 136 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 120 xã so với cuối năm 2021) và 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 10 xã so với cuối năm 2021); bình quân vùng đạt 17,4 tiêu chí/xã (tăng 0,7 tiêu chí so với cuối năm 2021). Trong vùng còn có 21 xã (2,7%) chỉ đạt dưới 10 tiêu chí.
Vùng Tây Nguyên: có 364/580 xã (62,8%) đạt chuẩn NTM (tăng 9,4% so với cuối năm 2021), trong đó có 53 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 30 xã so với cuối năm 2021) và 18 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 13 xã so với cuối năm 2021); bình quân vùng đạt 16,9 tiêu chí/xã (tăng 0,6 tiêu chí so với cuối năm 2021). Trong vùng còn có 32 xã (5,5%) chỉ đạt dưới 10 tiêu chí. Ở cấp huyện, toàn vùng có 12 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (tăng 06 đơn vị so với cuối năm 2021).
Vùng Đông Nam Bộ: có 401/410 xã (97,8%) đạt chuẩn NTM (tăng 11% so với cuối năm 2021), trong đó có 281 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 143 xã so với cuối năm 2021) và 45 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 41 xã so với cuối năm 2021); bình quân vùng đạt 18,9 tiêu chí/xã (tăng 0,3 tiêu chí so với cuối năm 2021).
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: có 1.112/1.234 xã (89,4%) đạt chuẩn NTM (tăng 20,5% so với cuối năm 2021), trong đó có 473 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 403 xã so với cuối năm 2021) và có 87 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 87 xã so với cuối năm 2021); bình quân vùng đạt 18,5 tiêu chí/xã (tăng 0,9 tiêu chí so với cuối năm 2021).

Các đại biểu khu vực Tây Nguyên tham gia góp ý kiến
Một số khó khăn, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục giải quyết: (1) Kết quả đạt chuẩn NTM chưa đồng đều: vẫn còn huyện nghèo thuộc 07 tỉnh “trắng xã NTM”; 04 tỉnh chưa có huyện đạt chuẩn. (2) Hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp còn hạn chế. (3) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất nông nghiệp còn chậm, hiệu quả sản xuất thấp, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn; quy hoạch vùng sản xuất chưa được chú trọng, thiếu các mô hình hiệu quả và thương hiệu mạnh.
(4) Chất lượng công trình hạ tầng sau khi đạt chuẩn ở một số địa phương giảm sút nhanh; ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải kém hiệu quả; ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao. (5) Một số phong tục, bản sắc văn hóa truyền thống tại các địa phương có dấu hiệu bị mai một trước quá trình đô thị hóa và đời sống hiện đại. (6) Thiên tai (bão số 3) gần đây gây thiệt hại lớn, tác động tiêu cực đến kết quả và tính bền vững của các tiêu chí đã đạt được tại nhiều địa phương…
Sự cần thiết xây dựng Chương trình giai đoạn 2026-2030
Qua những phân tích và gợi ý của chủ trì Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến trên tinh thần đúc kết những kinh nghiệm xây dựng NTM và phù hợp với thực tiễn mới của đất nước. Đặc biệt theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, phát triển nông thôn giai đoạn tới cần phải “bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân”, hướng tới xây dựng nông thôn phát triển bền vững và gắn với quá trình đô thị hóa.

Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, tuần hoàn, nâng cao giá trị hội nhập kinh tế
Mục tiêu tổng quát là xây dựng NTM toàn diện, bền vững, gắn với công nghiệp hóa, đô thị hóa, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu, vì lợi ích của người dân. Thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, NTM cấp thôn, bản phù hợp với điều kiện từng địa phương, bảo đảm cân bằng giữa các vùng miền. Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị; thúc đẩy kinh tế nông thôn theo hướng xanh, tuần hoàn, nâng cao năng suất lao động, cải thiện thu nhập người dân. Bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cảnh quan nông thôn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo tồn bản sắc văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hướng tới nông thôn hiện đại, phồn vinh, dân chủ, văn minh, hạnh phúc.
Theo đó Hội thảo đề xuất thực hiện cụ thể của 11 nội dung cụ thể. Báo cáo dự thảo của Ban Điều phối nêu các quan điểm thực hiện Chương trình giai đoạn 2026-2030 cho rằng: (1) Phát triển nông thôn toàn diện, bền vững, thích ứng với bối cảnh mới; (2) Phát triển nông thôn gắn với công nghiệp hóa, đô thị hóa bền vững và hội nhập kinh tế; (3) Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển nông thôn mới thông minh; (4) Phát triển kinh tế nông thôn theo hướng xanh, tuần hoàn, nâng cao giá trị gia tăng; (5) Phát triển kinh tế nông thôn theo hướng xanh, tuần hoàn, nâng cao giá trị gia tăng; (6) Bảo đảm an ninh, quốc phòng, tăng cường hệ thống chính trị cơ sở…