Sức khỏe

Tác dụng chữa bệnh của đậu nành

Thứ tư, 26/3/2025 | 08:00 GMT+7
Đậu nành chứa rất nhiều protein (chất đạm) và protein từ hạt đậu nành rất tốt để thay thế cho protein động vật vì ít chất béo.

Đậu nành hay còn gọi là đậu tương. Loại hạt này thường được sử dụng để chế biến thức uống, thức ăn, hỗ trợ bổ sung thêm nguồn dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.

Trong hạt đậu nành chứa protein (40%), lipid (12 - 25%), glucid (10 -15%) có các muối khoáng Ca, Fe, Mg, P, K, Na, S, các vitamin A, B1, B2, D, E, F, các enzyme, sáp, nhựa và các acid amin. Đây được coi là nguồn cung cấp protein hoàn chỉnh vì chứa một lượng đáng kể các amino acid không thay thế, rất cần thiết cho cơ thể.

Cách dùng đậu nành trong phòng chữa bệnh

Chữa viêm họng, ho khan, tiểu tiện sẻn: sắc giá đậu nành (rau mầm) với ít trần bì (vỏ quýt lâu năm) để ngậm, uống.

Trị chứng dạ dày tích nhiệt, tâm trạng bồn chồn không yên: đậu nành 500g, tiết lợn sống 300g. Đậu nành rửa sạch, ngâm nước cho mềm, tiết lợn luộc chín vớt ra thái miếng để riêng, cho hạt đậu vào nước luộc tiết đun chín nhừ. Đậu chín cho tiết vào đun sôi lại vài phút là được. Ăn liền trong 5 - 7 ngày là 1 liệu trình. Nghỉ vài ngày lại tiếp tục 1 liệu trình mới.

Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, béo phì thể thấp trệ, mỡ máu cao, suy nhược cơ thể: hạt đậu nành 250g, đậu phụ 200g, nấm hương 10g, gia vị vừa đủ.

Hạt đậu nành rửa sạch, ngâm nước cho mềm, cho vào nồi ninh nhừ. Nấm hương ngâm cho nở, đậu phụ thái miếng. Đậu nành đun nhừ cho tiếp nấm, tiếp đến đậu phụ đun sôi là được. Ăn liền trong 10 ngày là 1 liệu trình. Nghỉ vài ngày lại tiếp tục 1 liệu trình mới. Ăn liên tục 3 liệu trình.

Hỗ trợ điều trị đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu: đậu phụ 200g, giá đậu nành (rau mầm) 250g, mộc nhĩ 20g, gia vị vừa đủ. Tất cả đem nấu canh hoặc xào ăn trong ngày, ăn liên tục 10 - 15 ngày.

Phụ nữ có thai, tăng huyết áp: mầm đậu nành đun kỹ lấy nước uống nóng.

Da khô, nếp nhăn, đồi mồi: đậu nành 500g rang tán bột mịn. Uống 3g/lần trộn với 1 ít rượu trắng. Ngày 3 lần, liên tục 3 tháng.

Theo y học cổ truyền, đậu nành có tính hàn, những người thể chất kém, tinh thần mệt mỏi hay có triệu chứng của bệnh gout nên tránh ăn vì sẽ dẫn đến đầy bụng, chướng hơi, ợ hơi, ợ chua, dễ bị đi ngoài.

Bên cạnh đó, những người có triệu chứng thận hư, di tinh, tiểu đêm nhiều cũng không nên uống vì dễ làm nặng thêm. Một số loại thuốc đặc biệt như thuốc kháng sinh chứa chất tetracycline, erythromycine có tác dụng phân hủy chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành. Do đó, tránh uống kháng sinh cùng lúc với sữa đậu nành. Nên uống cách nhau khoảng một giờ để đảm bảo không có phản ứng hóa học xảy ra.

Các chất ức chế saponin hormone và lectin trong sữa đậu nành gây cản trở quá trình hấp thu kẽm của cơ thể. Do đó, những người thường xuyên sử dụng loại thức uống này cần lưu tâm đến việc bổ sung kẽm. Cùng với đó, những người đang trong tình trạng thiếu kẽm nên hạn chế uống sữa đậu nành.

Khi uống sữa đậu nành nên ăn thêm một chút điểm tâm như bánh ngọt, bánh mì, bánh bao hay các sản phẩm chế phẩm của tinh bột. Tinh bột có tác dụng làm cho dịch vị được tiết ra khiến các chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành được tiêu hóa, hấp thu hoàn toàn.

Nhã Quyên (t/h)