Kinh tế xanh

Phát triển nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon

Thứ sáu, 16/8/2024 | 16:13 GMT+7
Ngày 16/8, tại tọa đàm “Tín chỉ carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon”, các đại biểu tham dự đã thảo luận về phát triển nguồn nhân lực vận hành thị trường tín chỉ carbon.

Tọa đàm diễn ra tại TPHCM, do trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn phối hợp với báo Nông nghiệp Việt Nam và Công ty TNHH Hệ sinh thái VOS HOLDINGS phối hợp tổ chức 

Theo thông tin tại tọa đàm, năm 2023, Việt Nam đã chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon, thu về hơn 50 triệu USD. Hiện nay, Chính phủ cùng các Bộ, ban, ngành nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về thị trường tín chỉ carbon; đồng thời chú trọng đến công tác tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực vận hành thị trường tín chỉ carbon.

Ông Nguyễn Trung Đông, Hiệu trưởng trường Chính sách công và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai dự án mua bán tín chỉ rừng theo Thỏa thuận ERPA, Đề án phát triển bền vững chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 với mục tiêu giảm phát thải carbon của quốc gia.

Tọa đàm “Tín chỉ carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon”

Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh Võ Xuân Vinh nhấn mạnh cam kết của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính. Với quan điểm “muốn phát triển xanh, con người phải là trọng tâm”, ông Võ Xuân Vinh cho rằng, truyền thông và phát triển nhân lực rất quan trọng, cần có sự tham gia đa dạng và có chiến lược từ nhiều lĩnh vực.

Trong đó, Việt Nam cần đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả quy trình liên quan đến carbon. Các viện nghiên cứu cần tham gia vào mạng lưới đào tạo quốc tế về tín chỉ carbon nhằm hỗ trợ Chính phủ trong việc thực hiện chính sách tăng trưởng xanh.

Theo ông Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The VOS, dự kiến năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm hình thành một sàn giao dịch tín chỉ carbon. Do đó, trước mắt thị trường sẽ cần khoảng 150.000 lao động chuyên nghiệp. Lực lượng này phải được trang bị kiến thức để hiểu biết chuyên sâu về cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon. Đặc biêt, đào tạo thẩm định viên carbon có chuyên môn và chứng nhận quốc tế là một mắt xích quan trọng, giúp Việt Nam vận hành thị trường tín chỉ carbon.

Vì vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là đào tạo lực lượng môi giới chuyên nghiệp để tham gia mua bán carbon. Các doanh nghiệp muốn tham gia thị trường tín chỉ carbon cần chuẩn bị nguồn nhân lực có hiểu biết, tri thức để kiểm kê, kê khai và những vấn đề liên quan đến carbon.

Tại tọa đàm, đại diện trường Chính sách công và phát triển nông thôn, Công ty TNHH Intertek Việt Nam và Công ty TNHH Hệ sinh thái VOS HOLDINGS cùng ký biên bản ghi nhớ hợp tác về đào tạo nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon. Thông qua bản ghi nhớ hợp tác, các bên kỳ vọng sẽ có nhiều người nắm được nội dung quan trọng về tín chỉ carbon, từ đó nâng cao năng lực cho thị trường lao động trong lĩnh vực carbon ở Việt Nam.

Giới thiệu về chương trình đào tạo phát triển bền vững và tín chỉ carbon trên nền tảng Intertek Alchemy, ông Lê Hoàng Thế cho biết, chương trình được xây dựng với 3 cấp độ, từ cung cấp hiểu biết tổng quan về biến đổi khí hậu, khái niệm khí nhà kính, quản lý khí nhà kính, lộ trình đạt trung hòa carbon và Net Zero, các yêu cầu, luật định liên quan đến khí nhà kính… cho tới thực hành, tính toán định lượng và đào tạo chuyên viên. Dự kiến, chương trình đào tạo cấp độ đầu tiên khai giảng vào tháng 8/2024.

Việt Nga (T/H)