Bất động sản

Dự án Khu dân cư Hòa Lân: Doanh nghiệp "kêu cứu" vì bị đối tác “trở mặt”

Thứ sáu, 29/5/2020 | 00:12 GMT+7
Mặc dù Thanh tra Bộ Tư pháp đã có kết luận kết quả bán đấu giá tài sản của dự án Khu dân cư Hòa Lân hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật, tuy nhiên, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Kim Oanh TP. HCM (gọi tắt là Công ty Kim Oanh TP. HCM), đơn vị trúng đấu giá hợp pháp chưa thể triển khai dự án vì bị đối tác "trở mặt".

Trúng đấu giá hợp pháp, xin chuyển tên dự án nhưng không được chấp thuận

Dự án khu dân cư Hòa Lân thuộc phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú) làm chủ đầu tư. Quá trình triển khai dự án, Công ty Thiên Phú đã thế chấp 490.765,1 m2 đất dự án để vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn). Do gặp khó khăn về tài chính, không có khả năng trả nợ nên Công ty Thiên Phú giao tài sản thế chấp để Agribank Chợ Lớn xử lý thu hồi nợ.

Toàn cảnh dự án Khu dân cư Hòa Lân

 Ngày 17/6/2015, Agribank Chợ Lớn ký hợp đồng bán đấu giá tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất tại dự án Khu dân cư Hòa Lân với Công ty Cổ phần dịch vụ bán đấu giá Nam Sài Gòn.

Ngày 9/7/2015, Công ty đấu giá ra thông báo lần 1 thông báo đấu giá tài sản số 25/TB-ĐG giá khởi điểm 1.467.700.000.000 đồng, nhưng không có khách hàng nào tham dự.

Ngày 1/9/2015, Công ty đấu giá ra thông báo lần 2, Thông báo số 53/TB-ĐG để bán tài sản giá tài sản giảm 2% so với ban đầu tức còn 1.438.000.000.000đ (Sau khi Agribank Chợ Lớn gửi Công văn 464/NhNoCL-TD giảm 2% đến Công ty đấu giá). Cứ lần lượt lần thứ 3, 4… giá trị tài sản đấu giá giảm 5%, 10%...

Đến lần thứ 11, dự án được định giá khởi điểm là 900 tỷ đồng, tuy nhiên phía Công ty Thiên Phú gửi công văn thông báo với Ngân hàng là có khách hàng đăng ký mua tài sản với giá là 963 tỷ đồng, nên đã đề nghị phía Ngân hàng nâng giá khởi điểm lên mức 963 tỷ đồng. Sau lần điều chỉnh giá khởi điểm này, có hai khách hàng đăng ký tham gia đấu giá là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi và Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức.

Tuy nhiên, ngày 23/03/2017, phía Ngân hàng có công văn gửi Công ty đấu giá đề nghị dừng việc đấu giá dự án Khu dân cư Hòa Lân vì chưa đáp ứng yêu cầu phương thức thanh toán và tài sản đảm bảo cho nghĩa vụ thanh toán.

Ngày 27/03/2017, Công ty đấu giá ban hành thông báo đấu giá lần thứ 12, với giá khởi điểm 963 tỷ đồng. Trong phiên đấu giá lần này có 03 công ty tham gia. Cuối cùng ngày 25/05/2017, Công ty Kim Oanh TP. HCM trúng đấu giá với giá 1.353 tỷ đồng.

Sau phiên đấu giá, ngoài tiền mua tài sản đấu giá, Công ty Kim Oanh TP. HCM còn tự bỏ chi phí rất lớn để giải quyết các hậu quả do Công ty Thiên Phú để lại dù không thuộc nghĩa vụ của Công ty Kim Oanh TP. HCM.

Tại Công văn 435/NHNoCL-TD ngày 23/10/2018 gửi UBND tỉnh và Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, Agribank Chợ Lớn khẳng định: “Ngay sau khi phiên đấu giá kết thúc, Công ty Kim Oanh TP. HCM đã chủ động phối hợp với Công ty Thiên Phú, Agribank chi nhánh Chợ Lớn thực hiện những công việc: đàm phán, thỏa thuận, hỗ trợ kinh phí di dời cho 15 hộ kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá mà Công ty Thiên Phú cho mượn, cho thuê trước đây; ký hợp đồng đo vẽ, cắm mốc ranh giới địa chính toàn bộ khu đất; làm việc, đàm phán, thỏa thuận giải quyết khiếu nại và chi trả tiền bồi thường cho gần 20 hộ tái định cư có đất bị thu hồi trong dự án trước đây…”.

Sau đó, Công ty Kim Oanh TP. HCM và Agribank Chợ Lớn nhiều lần có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Dương xin chuyển tên chủ đầu tư dự án Hòa Lân từ công ty Thiên Phú sang Công ty Kim Oanh TP. HCM nhưng không được chấp thuận.

Chưa dừng lại ở đó, tháng 7/2018, Công ty Kim Oanh TP. HCM gặp tiếp trở ngại đối với dự án Hòa Lân khi Thanh tra Bộ Tư pháp tiến hành thanh tra toàn bộ quá trình thực hiện bán đấu giá tài sản dự án Hòa Lân cho Công ty Kim Oanh TP. HCM. Sau đó, Thanh tra Bộ Tư pháp đã có kết luận kết quả bán đấu giá tài sản của dự án Hòa Lân hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Gần 3 năm dự án“giậm chân tại chỗ” doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản

Sau khi trúng đấu giá, ngoài việc thanh toán tiền trúng đấu giá cho Agribank Chợ Lớn, Công ty Kim Oanh TP. HCM còn phải chi cả 100 tỷ đồng để khắc phục một số tồn động của Công ty Thiên Phú để lại: đóng thuế bổ sung, đền bù tái định cư, di dời các hộ dân trong dự án… Tổng số tiền chi cho dự án lên đến 1.550 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện xong các khoản chi cho dự án, Công ty Kim Oanh TP. HCM không thể thực hiện tiếp các bước để sớm thực hiện dự án, nguyên do ngày 27/2/2019, Công ty Thiên Phú đã nộp đơn khởi kiện Công ty đấu giá tại Tòa án nhân dân quận 7, TP. HCM yêu cầu hủy hợp đồng đấu giá là dự án Khu dân cư Hòa Lân và yêu cầu Tòa án nhân dân quận 7 áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (tại quyết định 01/2019/QĐ-BPKKTT ngày 15/3/2019 của Tòa án nhân dân quận 7, TP. HCM).

Dự án Khu dân cư Hòa Lân chưa thể triển khai khiến doanh nghiệp điêu đứng

Việc khiến dự án không thể triển khai, các thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư bị đứng yên, số tiền hơn 1.500 tỷ đồng “treo lơ lửng” không biết khi nào có thể thu hồi và lãi suất từ số tiền mà Công ty Kim Oanh TP. HCM vay mượn để đầu tư vào dự án đang tăng lên từng ngày khiến doanh nghiệp điêu đứng, đứng trước bờ vực phá sản.

Theo đại diện Công ty Kim Oanh TP. HCM, việc thụ lý vụ kiện của Công ty Thiên Phú của Tòa án nhân dân quận 7 về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và Hợp đồng tín dụng”, không phải tranh chấp về quyền sử dụng đất thì việc ra quyết định ngăn chặn tài sản là quyền sử dụng đất của bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là việc cần phải được làm rõ.

Năng lượng Sạch Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh khi có thông tin mới.

Mạnh Tùng