Trong nước

Dự báo tăng trưởng GDP có thể đạt 6,95% trong năm 2024

Thứ ba, 9/7/2024 | 16:12 GMT+7
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dự báo tăng trưởng GDP của nước ta có thể đạt 6,95% trong năm 2024.

Ngày 9/7, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do chính phủ Đức tài trợ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp tổ chức hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024: Động lực mới cho tăng trưởng có chất lượng”.

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam và tăng trưởng GDP năm 2024 do CIEM công bố cho thấy những khả năng tăng trưởng mới trong các tháng còn lại của năm 2024.

Báo cáo đưa ra hai kịch bản cập nhật dự báo kinh tế vĩ mô trong năm 2024. Theo kịch bản 1, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 9,54% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,31% so với năm 2023. Cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 5,7 tỷ USD. 

Trong kịch bản 2, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 11,64% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,12% so với năm 2023. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỷ USD.

CIEM dự báo tăng trưởng GDP có thể đạt 6,95% trong năm 2024

Báo cáo cũng đã tập trung phân tích thực trạng phát triển tài chính xanh và phát triển kinh tế ban đêm ở một số đô thị lớn ở Việt Nam. Trên cơ sở các phân tích, báo cáo chỉ ra một số vấn đề cần xử lý và nêu những kiến nghị chính sách đối với các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam.

Theo đó, các chuyên gia CIEM khuyến nghị chú trọng việc hướng dẫn thực thi các luật được Quốc hội thông qua, cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo, thích ứng với các xu hướng lớn, nhất là về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, quan tâm việc tăng năng xuất lao động theo hướng coi năng suất lao động ở khu vực công thành động lực kích thích năng suất lao động ở các khu vực kinh tế khác.

Trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô cần đặc biệt chú ý, nếu chỉ tập trung nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng thì áp lực với kiểm soát lạm phát sẽ gia tăng. Đặc biệt, cần giữ gìn dư địa tài khóa để có thể ứng phó với các cú “sốc" có thể xảy đến trong tương lai.

Đức Dũng (t/h)