Quy hoạch, xây dựng

Dự kiến hoàn thành toàn bộ đường vành đai 3 TPHCM vào năm 2026

Thứ năm, 12/5/2022 | 15:30 GMT+7
Chính phủ dự kiến năm 2022 chuẩn bị dự án, năm 2023 khởi công xây dựng và cơ bản hoàn thành năm 2025, hoàn thành toàn bộ vào năm 2026, quyết toán năm 2027.

Chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 TPHCM được Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp ngày 12/5/2022. 

Để chuẩn bị cho phiên họp, Chính phủ đã có tờ trình về vấn đề này. Theo đó, dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TPHCM có quy mô khoảng 76,3 km, 4 làn xe cao tốc hạn chế; tốc độ thiết kế 80 km/h với bề rộng mặt cắt ngang là 19,75 m.

Dự án phân chia thành 8 dự án thành phần, tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 642,7 ha.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 là 61.056 tỷ đồng, theo đó bố trí 31.380 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và ngân sách trung ương.

UBND TPHCM và UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An bố trí nguồn vốn 29.676 tỷ đồng từ kết quả rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; huy động nguồn tăng thu (đấu giá quỹ đất dọc tuyến và các nguồn hợp pháp khác) và vay lại Chính phủ từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ.

Giai đoạn 2026 - 2030 cần khoảng 14.322 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương bố trí 7.361 tỷ đồng, ngân sách TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An bố trí 6.961 tỷ đồng.

Chính phủ dự kiến năm 2022 chuẩn bị dự án, năm 2023 khởi công xây dựng và cơ bản hoàn thành năm 2025, hoàn thành toàn bộ vào năm 2026, quyết toán năm 2027.

Sơ đồ tuyến đường vành đai 3 TPHCM

Để triển khai dự án, Chính phủ đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt về huy động nguồn vốn, thu hồi vốn đầu tư, cơ chế chỉ định thầu… Theo đó, cho phép điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021 - 2025), điều chuyển số vốn 17.146 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải về các địa phương để thực hiện theo phương án phân bổ: TPHCM là 10.627 tỷ đồng, Đồng Nai là 856 tỷ đồng, Bình Dương là 4.266 tỷ đồng, Long An là 1.397 tỷ đồng.

Chính phủ cũng xin được sử dụng linh hoạt vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương để thực hiện dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 phù hợp cơ cấu nguồn vốn, tiến độ thực hiện dự án. Các địa phương cam kết bố trí ngân sách địa phương cho phần vốn phát sinh tăng thêm trong trường hợp có điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án thành phần. Cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ các nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.

Liên quan đến việc thu hồi vốn đầu tư, Chính phủ đề xuất, sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tổ chức thực hiện thu phí để thu hồi vốn tương ứng theo tỷ lệ nguồn vốn đầu tư. Chính phủ tổ chức thực hiện xây dựng phương án, tổ chức thu hồi vốn đầu tư dự án để hoàn trả vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu để cho các địa phương vay đáp ứng nhu cầu thực hiện, giải ngân cho các dự án trong giai đoạn năm 2024 - 2025. Các địa phương chịu trách nhiệm cân đối nguồn thu của ngân sách địa phương để hoàn trả ngân sách trung ương trong giai đoạn 2026 - 2030, bao gồm cả nguồn thu từ khai thác quỹ đất hai bên đường dự án.

Thủy Quỳnh