Gắn bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học với phát triển kinh tế - xã hội

Chủ nhật, 31/12/2023 | 10:36 GMT+7
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh nhiệm vụ gắn bảo tồn với phát triển kinh tế - xã hội, từ bảo tồn đến làm lợi cho địa phương.

Báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học Nguyễn Văn Tài cho biết, 2023 là năm đầu tiên Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đi vào hoạt động với vị trí là đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong năm 2023, Cục đã tổ chức rà soát các quan điểm, chủ trương định hướng, quy định pháp luật và các điều ước quốc tế để tham mưu trong việc định hình rõ ràng, thống nhất công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học nói chung, công tác quản lý nhà nước nói riêng.

Trong đó, đã hoàn thành công tác xây dựng văn bản được giao, trọng tâm là Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình quốc gia về bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Bộ trưởng ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng, chia sẻ cơ sở dữ liệu môi trường; triển khai xây dựng Đề án tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học tại các khu di sản thiên nhiên vùng Đông Nam Bộ.

Cục cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; hướng dẫn thực hiện công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tổ chức giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành về chấp hành pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học theo kế hoạch được giao. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện các cam kết, nghĩa vụ về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của đầu mối các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tham khảo kinh nghiệm, huy động nguồn lực, sự phối hợp, hỗ trợ cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong nước. Triển khai phối hợp với địa phương, cơ quan, tổ chức xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tăng cường năng lực điều tra, quan trắc, giám sát, theo dõi, dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Gắn bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học với phát triển kinh tế - xã hội

Trong năm 2024, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đề ra nhiều nhiệm vụ, trong đó trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học theo hướng xác định rõ đối tượng quản lý, kết hợp phương thức quản lý tổng hợp, quản lý trực tiếp. Tham mưu tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phổ biến, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các quy hoạch, chương trình, kế hoạch, chỉ thị trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; xây dựng và triển khai Chương trình điều tra, kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn trên phạm vi cả nước; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; triển khai hiệu quả, bảo đảm tiến độ công tác kiểm tra chấp hành pháp luật...

Cùng với triển khai Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal tại Việt Nam, Cục sẽ chủ động tham gia, thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học mà Việt Nam đã ký kết, đồng thời xây dựng trình Bộ xem xét, phê duyệt Đề án thiết lập đối tác về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái; mạng lưới khu Ramsar, khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Tại hội nghị, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao kết quả đã đạt được của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, qua đó đóng góp thêm ý kiến để tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan trực thuộc Bộ trong công tác bảo vệ môi trường. Các đơn vị đề xuất Cục cần triển khai xây dựng Đề án sửa đổi bổ sung Luật Đa dạng sinh học, chú trọng cập nhật xu hướng quốc tế, chủ trương lớn của nhà nước và phân định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực của Bộ Tài nguyên và Môi trường với các Bộ, ngành khác.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học có sự giao thoa với nhiều lĩnh vực khác. Do đó, muốn công tác tham mưu có chất lượng, Cục cần phối hợp tốt với các Bộ, ngành, địa phương để nắm rõ thực trạng, từ đó tham mưu cho lãnh đạo Bộ những nội dung trao đổi với địa phương trong các chuyến công tác về vấn đề gắn bảo tồn với phát triển kinh tế - xã hội, từ bảo tồn để làm lợi cho người dân, cho địa phương. Đặc biệt, cần mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế vừa để học hỏi lẫn nhau vừa giúp tăng cường hiệu quả, chất lượng công tác quản lý Nhà nước về bảo tồn.

Bộ trưởng đề nghị Cục phối hợp với các đơn vị khác trong Bộ, đặc biệt là các đơn vị quản lý môi trường, tăng cường kiểm tra giám sát về thực hiện quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, ngăn chặn kịp thời các hành vi sai phạm và đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo Bộ xử lý nghiêm. Quan tâm nhân rộng các mô hình tích cực trong cộng đồng; quan tâm tới công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của các cấp quản lý, của cộng đồng và lan tỏa tình yêu thiên nhiên, nhận thức đúng về bảo tồn thiên nhiên tới toàn xã hội.

Bảo An (T/H)