Tìm giải pháp thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần

Thứ ba, 19/12/2023 | 23:34 GMT+7
Ngày 19/12, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức hội thảo Thúc đẩy giải pháp thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, ô nhiễm nhựa trên toàn cầu hiện đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng với môi trường và sinh vật biển, cũng như ảnh hưởng đến nhiều vấn đề kinh tế, xã hội. Ước tính hàng năm có khoảng 4,8 - 12,7 triệu tấn nhựa thải vào các đại dương trên thế giới. Trên phạm vi toàn cầu, 32% chất thải bao bì đang rò rỉ ra môi trường.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, mỗi năm, khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP được tiêu thụ tại Việt Nam. Trong số này, 1,28 triệu tấn (33%) được tái chế và có tới 2,62 triệu tấn nhựa bị thải bỏ, dẫn đến mất đi 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương từ 2,2 - 2,9 tỷ USD mỗi năm.

Việt Nam đã ban hành chính sách, quy định pháp luật về cấm và hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy, tiêu biểu là Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Bên cạnh đó là các chính sách ưu đãi với sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường như: ưu đãi nguồn vốn, công nghệ, về giao đất, thuê đất, thuế bảo vệ môi trường, thuế thu nhập doanh nghiệp. Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Quyết định số 3257/2023/QĐ-BTNMT ngày 7/11/2023 về tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam đối với bao bì nhựa thân thiện môi trường.

Quang cảnh hội thảo

Trong buổi làm việc, các đại biểu, tham luận đã tập trung làm rõ một số nội dung: đánh giá tổng quan thị trường các sản phẩm thay thế nhựa tại Việt Nam; chính sách, pháp luật liên quan đến sản phẩm thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần; khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định này. Từ đó, đề xuất giải pháp thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường ở Việt Nam cũng như các yêu cầu về hội nhập trong giai đoạn tới.

Chia sẻ về thị trường các sản phẩm thay thế tại Việt Nam, ông Nguyễn Lê Thăng Long, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường cho biết, thị trường Việt Nam có khá nhiều loại túi thân thiện môi trường, có khả năng phân hủy sinh học, thường là túi dùng nguyên liệu có gốc thực vật thay thế. Bao gồm: các sản phẩm khay, hộp đựng thực phẩm thay thế như bát, đĩa, khay, cốc được làm từ xơ tre, bột sắn, hộp đựng làm từ bã mía... Các loại ống hút thay thế: làm từ gạo, sậy, tre; các giải pháp khác như màng phủ nông nghiệp, màng phủ sáp ong, nhãn dán hoa quả, bao bì tan trong nước…

Ông Lê Thăng Long nhận định, Việt Nam có nguồn nguyên liệu tự nhiên dồi dào, thị trường năng động, nên có nhiều tiềm năng để phát triển, chuyển đổi sang sản phẩm thân thiện môi trường.

Theo ông Nguyễn Minh Khoa, chuyên gia của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm thay thế còn khó tiếp cận, thiếu rõ ràng. Điển hình như còn nhiều vướng mắc, bất cập trong áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon cũng như phí đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần. Ngoài ra, chi phí sản xuất sản phẩm thay thế cao nên khó cạnh tranh, mức độ sẵn sàng tiếp nhận từ phía người tiêu dùng cũng chưa cao.

Để thúc đẩy các sản phẩm thay thế nhựa, ông Nguyễn Minh Khoa đề xuất, Việt Nam nên hạn chế và tiến tới cấm sản xuất, nhập khẩu, tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần theo lộ trình mà Chính phủ đã đặt ra. Tăng thuế, phí nhằm hạn chế việc sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần. Đồng thời, có quy định về quy chuẩn nhận diện các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường; khuyến khích, thúc đẩy các hành động tự nguyện hạn chế sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần.

Cần có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn công nhận với các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần; hướng dẫn cụ thể về tiếp cận nguồn vốn, thuế, phí và các ưu đãi hỗ trợ với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sản phẩm thay thế tới người tiêu dùng; hỗ trợ xây dựng mạng lưới, khởi nghiệp đổi mới và các hoạt động quảng bá, tiếp thị trong, ngoài nước.
 

Bảo Ngọc (T/H)