Gắn bảo vệ môi trường với phát triển khu công nghiệp tại Nghệ An

Thứ tư, 15/2/2023 | 10:29 GMT+7
Những năm qua, tỉnh Nghệ An vừa thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, nhất là các nhà đầu tư FDI, vừa quan tâm “sàng lọc” những ngành nghề “sạch”, gắn liền sản xuất với bảo vệ môi trường bền vững.

Cụ thể, tỉnh sẵn sàng “nói không” với những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; các giải pháp bảo vệ môi trường tại các nhà máy, khu công nghiệp (KCN) cũng được khu kinh tế (KKT) Đông Nam và tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm.

Ông Hồ Uyên Vũ, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý KKT Đông Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn KKT Đông Nam và các KCN Nghệ An có 138 doanh nghiệp đi vào hoạt động, với tổng doanh thu ước tính đạt 58.514 tỷ đồng, giải quyết được việc làm cho hơn 30.000 lao động. Các KCN đang hoạt động được đầu tư hạ tầng đồng bộ, có hệ thống xử lý nước thải tập trung đáp ứng được yêu cầu trong công tác bảo vệ môi trường; các dự án đầu tư đi vào hoạt động đều được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ, thủ tục về môi trường.

Hơn nữa, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn KKT Đông Nam và các KCN Nghệ An, Ban Quản lý KKT Đông Nam đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường như tập huấn pháp luật về bảo vệ môi trường. Ban Quản lý cũng phối hợp với Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc, Vụ Pháp chế chính sách và thanh tra thuộc Tổng cục Môi trường tổ chức tập huấn pháp luật về bảo vệ môi trường năm 2022.

Đầu tư hạ tầng đồng bộ, có hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN, KKT

Bên cạnh đó, KKT và tỉnh còn thống nhất nâng cao năng lực tiền kiểm, tăng cường công tác hậu kiểm, huy động và phát huy mọi nguồn lực, chung tay bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường. Tăng cường đôn đốc, giám sát việc vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường theo nội dung giấy phép môi trường; kiểm tra công tác bảo vệ môi trường theo định kỳ hoặc đột xuất đặc biệt đối với nhóm dự án có yếu tố nhạy cảm về môi trường, nguy cơ cao xảy ra sự cố môi trường.

Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường và áp dụng các biện pháp kinh tế trong bảo vệ môi trường; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; khuyến khích cá nhân, tổ chức và cộng đồng tham gia công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động bảo vệ môi trường. Tăng cường nguồn lực cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, trong đó bổ sung cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ làm công tác bảo vệ môi trường; mua sắm các máy móc, thiết bị phục vụ công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường tại Ban Quản lý KKT Đông Nam.

Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ bảo vệ môi trường như thiết lập, số hóa mạng lưới thoát nước mưa, nước thải phục vụ công tác quản lý nhằm phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thu gom, xử lý và thoát nước.

Để phát triển kinh tế trong điều kiện hội nhập, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải, cần nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư, tiếp tục đặt bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề “toàn cầu cấp bách có liên quan đến vận mệnh loài người”; xác định “đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển” và bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và nghĩa vụ của mọi công dân.

Theo baotainguyenmoitruong.vn