Bất động sản

Gấp rút triển khai đầu tư xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội

Thứ năm, 1/6/2023 | 15:30 GMT+7
Bộ Xây dựng vừa có Thông báo 69/TB-BXD ngày 31/5/2023 về kết luận của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại Hội nghị triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Trước đó, ngày 19/5/2023, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 (sau đây gọi tắt là Đề án).

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cùng phối hợp, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ đã được thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án, cụ thể như sau:

Về thể chế: tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, để hoàn thiện, ban hành Luật Nhà ở (sửa đổi) đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), pháp luật về thuế, trong đó tập trung sửa đổi các cơ chế chính sách nhà ở xã hội về: đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; trình tự thủ tục thực hiện dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước... đồng thời có chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân, nhà ở dành cho lực lượng vũ trang để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi phát triển.

Về tổ chức thực hiện: đối với các Bộ, ngành: Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan tập trung các nhiệm vụ được giao tại Đề án, để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về thủ tục đầu tư, miễn tiền sử dụng đất, quy hoạch quỹ đất, phát triển nhà ở lưu trú công nhân... Tích cực nghiên cứu, tối ưu hóa các thiết kế nhà ở xã hội, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, công nghệ mới... nhằm giảm giá thành, rút ngắn thời gian thi công, công bố để các chủ đầu tư, doanh nghiệp tham khảo, áp dụng.

Gấp rút triển khai đầu tư xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc tạo nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, sửa chữa chung cư; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.

Đề nghị Ngân hàng Chính sách tiếp tục triển khai chương trình cho vay ưu đãi đối với đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội và Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ.

Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ động, phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan trong việc triển khai Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp, khu chế xuất, cũng như phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Đất đai sửa đổi theo hướng đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động làm chủ đầu tư nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp.

Đề nghị các Bộ, ngành liên quan tập trung, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án nhằm đảm bảo đạt mục tiêu đề ra.

Đối với các địa phương: chủ động rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Rà soát, bố trí quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.

Nghiên cứu đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính theo thẩm quyền; các địa phương quy định rõ đầu mối thực hiện thủ tục hành chính trong lập, phê duyệt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn, trong đó có việc thực hiện bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị; quan tâm quản lý, đảm bảo chất lượng, cơ cấu sản phẩm, giá thành hợp lý của nhà ở xã hội để đáp ứng cho người thu nhập thấp, công nhân có cơ hội tiếp cận, cải thiện về nhà ở...

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp sử dụng nhiều công nhân, người lao động cần quan tâm xây dựng nhà lưu trú hỗ trợ chỗ ở cho công nhân, người lao động của doanh nghiệp thuê. Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm đầu tư nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị do doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Chủ động rà soát đối tượng, điều kiện, đăng ký với UBND cấp tỉnh để được công bố trong danh mục vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.

Khánh Nam