Năng lượng gió

Gia Lai: Nét mới trong bức tranh du lịch nhờ công trình điện gió

Thứ hai, 23/8/2021 | 13:05 GMT+7
Trên cánh đồng rộng lớn, giữa những luống khoai lang xanh mướt là hàng cột tháp và turbine gió vươn thẳng lên trời trông thật ấn tượng.

Những trang trại điện gió không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế cao mà còn cải thiện tầm nhìn cũng như lối sống của người dân.

Trang trại điện gió thuộc Nhà máy điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1 do Công ty cổ phần Phong điện Ia Pết Đak Đoa số 1 đầu tư trên địa bàn huyện Đak Đoa thu hút khá đông người đến tham quan. Ngay từ xa, mọi người đã có thể nhìn thấy 7 trụ turbine gió khổng lồ với 3 cánh quạt như ngôi sao in lên nền trời.

Các công trình điện gió không chỉ là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn tạo điểm đến hấp dẫn để phát triển du lịch Gia Lai. 

Cùng với đó, trang trại điện gió ở khu vực xã Chư Don (huyện Chư Pưh) được xây dựng giữa núi rừng trùng điệp. Đây là công trình thuộc Nhà máy điện gió Nhơn Hòa 2 do Công ty cổ phần Điện gió Nhơn Hòa 2 đầu tư với 12 bộ turbine có tổng công suất 50 MW trên diện tích 32,2 ha. Hiện tại, 6 cột turbine đã trở thành điểm tham quan của du khách gần xa.

Cho tới nay, các công trình điện gió vẫn đang được tiếp tục đầu tư, hoàn thiện và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây. Song song với đó, các công trình năng lượng sạch này cũng hứa hẹn mang lại “luồng gió mới” cho ngành du lịch bởi phần lớn được xây dựng gần với các điểm đến nổi tiếng. Đây là điều kiện thuận lợi trên hành trình kết nối du lịch trong tỉnh.

Huyện Chư Prông có tiềm năng lớn phát triển điện gió và được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Hiện tại, Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai đang triển khai Dự án Nhà máy điện gió phát triển Miền núi; Công ty cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai thực hiện Dự án Nhà máy điện gió chế biến Tây Nguyên tại xã Bàu Cạn.

Đây cũng là khu vực có điểm đến hấp dẫn gắn liền với ngày hội hoa muồng vàng và con đường rợp bóng muồng đẹp như khung cảnh xứ Hàn. Ông Nguyễn Xuân Thường, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Chư Prông cho hay: “Các trụ turbine điện gió được dựng trên đồng chè rộng lớn, hòa cùng cảnh sắc thiên nhiên hứa hẹn tạo nên cảnh quan ấn tượng, đáng để du khách tìm đến tham quan, khám phá, trải nghiệm. Cùng với các điểm đến sẵn có, công trình điện gió sẽ làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của địa phương”.

Từ tiềm năng du lịch mà các công trình điện gió đem lại, Đảng ủy xã Chư Don đã đưa vào dự thảo Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó có việc kết nối các công trình điện gió với các thắng cảnh trên địa bàn.

Ông Đặng Lê Minh, Bí thư Đảng ủy xã Chư Don cho biết: “Xã được thiên nhiên ưu đãi hình thành nên các cảnh quan đẹp như: hồ thủy lợi Plei Thơ Ga, núi Chư Don, thác Ia Nhí, Hòn đá chồng… Cùng với các công trình điện gió đang dần hoàn thành, đây là những lợi thế to lớn, là cơ sở để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo nguồn thu cho địa phương, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hình thành 2-3 điểm du lịch đón du khách đến tham quan, trong đó có điểm đến là công trình điện gió; đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế chính của xã”.

Phát triển du lịch từ các công trình điện gió dù có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi song cũng đòi hỏi nỗ lực bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái sẵn có từ phía các nhà đầu tư. Các địa phương cũng phải làm tốt công tác khai thác, bảo vệ đi đôi với phát huy giá trị văn hóa độc đáo của mình để phục vụ du khách.

Ý An