Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trong giai đoạn từ năm 2015 - 2024, tại khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung, lũ quét, sạt lở đất làm 79 người chết, mất tích/năm; là một trong những nguyên nhân chính gây thiệt hại về người tại khu vực (chiếm 36%) số người chết, mất tích do thiên tai gây ra.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành cho biết, lũ quét, sạt lở đất không còn là hiện tượng hiếm gặp mà trở thành những hiểm hoạ thường xuyên ở nhiều nơi khu vực miền núi, trung du Việt Nam. Đây là hai trong số những loại hình thiên tai gây thiệt hại nặng nề nhất không chỉ về người tài sản và còn để lại hậu quả lâu dài đối với sinh kế, môi trường, hạ tầng và ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực và sáng kiến của Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai trong suốt thời gian qua, đặc biệt là sáng kiến cùng các cơ quan liên quan và chủ trì với Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp tổ chức tọa đàm hôm nay. Những hoạt động của Quỹ không chỉ có ý nghĩa tham gia hỗ trợ kỹ thuật mà còn là cầu nối kết nối 3 bên giữa nhà nước - nhà khoa học - cộng đồng, góp phần tạo ra một mô hình xã hội hóa phòng chống thiên tai hiệu quả, bền vững và nhân văn.

Cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, mô hình liên kết xã hội hóa phòng, chống thiên tai do Quỹ thúc đẩy là một hướng đi cần tiếp tục được khuyến khích nhằm tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách tham gia vào các chương trình vì cộng đồng, vì sự an toàn của người dân.
Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục chỉ đạo mở rộng mô hình, đổi mới công nghệ, hoàn thiện chính sách và phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để đưa sáng kiến thành hiện thực.
Theo TS. Cao Đức Phát, Chủ tịch Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai, việc triển khai quyết định 1262/QĐ-TTg về cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét đã tạo chuyển biến tích cực, góp phần tăng cường giám sát và cảnh báo thiên tai tại các khu vực miền núi, trung du. Nhờ sự hỗ trợ của Quỹ Thiện Tâm (Vingroup), quỹ đã lắp đặt 843 trạm đo mưa, 16 tháp cảnh báo lũ và hỗ trợ 85 đội xung kích cấp xã. Tuy nhiên, ông đánh giá hệ thống hiện nay vẫn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
Ông Cao Đức Phát đề xuất 3 hướng ưu tiên: xác định công nghệ phù hợp để giám sát và dự báo hiệu quả; tích hợp bản đồ rủi ro và thông tin cảnh báo vào hệ thống trực tuyến địa phương; xây dựng cơ chế tổ chức, lực lượng ứng phó tại chỗ. Đồng thời ông nhấn mạnh, AI và công nghệ hiện đại chỉ có giá trị khi đi kèm khả năng xử lý thông tin nhanh, hành động kịp thời tại thực địa.
Đề cập đến công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại Việt Nam, PGS.TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho rằng, hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tích hợp nhiều module (giám sát, phân tích, xử lý dữ liệu đa nguồn) để hỗ trợ nghiệp vụ cảnh báo và truyền tin trên nền tảng WebGIS với chức năng theo dõi, giám sát, cảnh báo, lập bản đồ nguy cơ thời gian thực.
Đối với giải pháp tăng cường thông tin cảnh báo, ông Mai Văn Khiêm lưu ý cần tập trung vào việc truyền tin và tích hợp (tăng cường, đồng bộ hóa việc truyền tin; tích hợp vào Trung tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ và cổng thông tin địa phương); cập nhật và cải tiến (hoàn thiện bản đồ phân vùng nguy cơ cho các khu vực còn thiếu, cập nhật, điều chỉnh ngưỡng mưa gây lũ quét, sạt lở đất); công nghệ (ứng dụng trí tuệ nhân tạo - Al để phân tích dữ liệu, cảnh báo sớm; tích hợp đa nguồn dữ liệu như rada, vệ tinh, mặt đất vào mô hình).
Tại toạ đàm, các đại biểu đại diện các cơ quan, tổ chức liên quan đã trao đổi về một số nội dung như: cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất dựa trên nền tảng công nghệ, giải pháp hiệu quả cảnh báo sớm sạt lở đất và lũ quét dựa trên công nghệ IOT và WSN, giải pháp cảnh báo lũ quét, sạt lở đất từ lượng mưa quan trắc theo thời gian thực, kinh nghiệm và công nghệ của Nhật Bản về cảnh báo lũ, sạt lở đất...
Phát biểu bế mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh, để phòng, chống lũ quét, sạt lở đất hiệu quả, cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất trên nền tảng AI, dữ liệu lớn, viễn thám, công nghệ hiện đại đảm bảo hiệu quả, tin cậy, phù hợp với điều kiện các vùng miền. Tăng cường phối hợp, huy động nguồn lực từ nhà nước, tư nhân và quốc tế, đẩy mạnh xã hội hóa trong phòng, chống thiên tai để triển khai các mô hình cảnh báo sớm, nâng cao năng lực cộng đồng, hướng đến sự bền vững, hiệu quả và nhân rộng.
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã thành công. Đồng thời, cần tiếp tục phát huy vai trò của cộng đồng, kinh nghiệm bản địa, xây dựng các kịch bản ứng phó sát với thực tế, tổ chức đào tạo, tập huấn để người dân hiểu, chủ động và có thể hành động khi có cảnh báo thiên tai.