Bỉ đầu tư 3 triệu Euro hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ sáu, 4/4/2025 | 17:11 GMT+7
Chương trình Hành động khí hậu Flanders đã hỗ trợ 69 dự án toàn cầu, trong đó có 5 dự án ở Việt Nam. Chính quyền Flanders cam kết đầu tư gần 3 triệu Euro cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Tại TPHCM, Cục Xúc tiến đầu tư và thương mại vùng Flanders (Vương quốc Bỉ) vừa phối hợp với Viện Khoa học khí tượng, thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức hội thảo “Việt Nam - Flanders: Thúc đẩy hợp tác trong ứng phó biến đổi khí hậu”.

Đây là một trong những hoạt động nổi bật trong khuôn khổ Chương trình kế hoạch hành động khí hậu quốc tế của vùng Flanders (VIKAP) do Cục Xúc tiến đầu tư và thương mại vùng Flanders (Bỉ) tổ chức.

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng, thủy văn và biến đổi khí hậu cho biết: Việt Nam đang phải đối mặt với các tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (2021), nếu không có hành động kịp thời, biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam mất từ 3 - 5% GDP mỗi năm vào năm 2050.

Theo bà Phạm Thị Thanh Ngà, tài chính khí hậu đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện các chiến lược ứng phó. Hiện nay, nguồn tài chính cho lĩnh vực này chủ yếu đến từ các quỹ đa phương như Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), các ngân hàng phát triển như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng với những chương trình hợp tác song phương từ JICA (Nhật Bản), GIZ (Đức) và KOICA (Hàn Quốc). Khu vực tư nhân cũng đang gia tăng sự tham gia, mặc dù còn ở mức hạn chế, trong khi Chính phủ Việt Nam tiếp tục duy trì đầu tư công để hỗ trợ các dự án khí hậu.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách nhà nước chiếm từ 16 - 21% tổng tài chính khí hậu, trong khi ODA tăng mạnh với mức tăng 40% dành cho đồng bằng sông Cửu Long và 15% cho các khu vực ven biển. Các lĩnh vực được phân bổ tài chính nhiều nhất là năng lượng (44%), giao thông bền vững (29%) và nông nghiệp, quản lý tài nguyên nước (15%). Một số dự án đáng chú ý bao gồm phát triển điện mặt trời tại Ninh Thuận, giúp giảm 1,5 triệu tấn CO2 mỗi năm và tạo việc làm cũng như dự án phục hồi rừng ngập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long do Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ.

Quang cảnh hội thảo

Dù đã có những tiến triển, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc huy động và sử dụng tài chính khí hậu hiệu quả. Chỉ khoảng 1% GDP được dành cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, trong khi ODA chiếm đến 31% tổng tài chính khí hậu, cho thấy sự phụ thuộc lớn vào nguồn tài trợ quốc tế. Thêm vào đó, việc triển khai các dự án vẫn gặp khó khăn với tỷ lệ chậm phê duyệt lên tới 56% trong giai đoạn 2016 - 2020. Hơn nữa, 76% các dự án được triển khai ở quy mô nhỏ lẻ, làm hạn chế hiệu quả tổng thể. Một thách thức khác là mức độ tham gia của khu vực tư nhân vẫn còn thấp với đầu tư vào các giải pháp thích ứng khí hậu chỉ chiếm dưới 10%.

Để giải quyết những thách thức này, bà Phạm Thị Thanh Ngà cho rằng, cần có các giải pháp huy động và sử dụng tài chính khí hậu hiệu quả hơn. Theo đó, mở rộng mô hình tài chính hỗn hợp, kết hợp nguồn vốn ODA với đầu tư tư nhân thông qua các cơ chế như bảo lãnh tín dụng từ Ngân hàng Thế giới. Đồng thời, cần ưu tiên phân bổ ngân sách địa phương với ít nhất 25% ngân sách tỉnh dành cho các vùng trọng điểm như đồng bằng sông Cửu Long và khu vực miền Trung; đẩy nhanh quá trình phê duyệt dự án, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường giám sát tiến độ triển khai.

Ngoài ra, phát triển các cơ chế tài chính hấp dẫn để thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án xanh như tín dụng ưu đãi, trái phiếu xanh và quỹ đầu tư bền vững là một trong những giải pháp quan trọng.

Phát biểu tại hội thảo, bà Cieltje Van Achter, Bộ trưởng phụ trách về Brussels và truyền thông vùng Flanders, Vương quốc Bỉ cho biết, biến đổi khí hậu đã trở thành thực tế cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các lĩnh vực từ tổ chức đô thị, sản xuất lương thực đến giao thông. Chính quyền Flanders đã và đang tích cực hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển, bao gồm Việt Nam nhằm triển khai các dự án công nghệ và mô hình thích ứng với khí hậu.

Chương trình Hành động khí hậu Flanders đã hỗ trợ 69 dự án toàn cầu, trong đó có 5 dự án tại Việt Nam. Chính quyền Flanders cam kết đầu tư gần 3 triệu Euro vào các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Điều này giúp Việt Nam huy động thêm nguồn vốn từ các đối tác khác để gia tăng tác động của các dự án. Chương trình tập trung vào ba nguyên tắc cơ bản: quan hệ đối tác bền vững, ứng dụng công nghệ đổi mới và hành động thực tiễn nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Theo đại diện Cục Xúc tiến đầu tư và thương mại vùng Flanders, tại Bỉ, chính phủ đã thông qua một thỏa thuận hợp tác giữa các cấp chính quyền, trong đó vùng Flanders cam kết đóng góp 68 triệu Euro trong giai đoạn 2021 - 2024 thông qua Chương trình Hành động khí hậu quốc tế Flanders.

Theo đó, các dự án trong khuôn khổ chương trình tập trung vào hành động khí hậu, bao gồm cả giảm phát thải lẫn thích ứng với biến đổi khí hậu. Có 7 lĩnh vực tác động lớn đến khí hậu gồm: nước, năng lượng, giáo dục, nông nghiệp, đa dạng sinh học, giao thông và hỗ trợ chính sách... sẽ được chương trình ưu tiên hỗ trợ, hợp tác.

Đức Dũng (t/h)