Trao đổi các giải pháp kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí

Thứ năm, 24/4/2025 | 15:49 GMT+7
Việc ứng phó hiệu quả với ô nhiễm không khí không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn liên kết chặt chẽ với các mục tiêu về biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Trong 2 ngày 24 – 25/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam”.

Một trong những thách thức môi trường nghiêm trọng

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh, ô nhiễm không khí đang là một trong những thách thức môi trường nghiêm trọng tại Việt Nam, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM.

Số liệu quan trắc và chỉ số chất lượng môi trường không khí AQI tại các thành phố này thường xuyên ở mức trung bình và có chiều hướng kém, gia tăng ô nhiễm trong những giai đoạn gần đây. Nồng độ bụi mịn PM2.5 tại hai thành phố này thường vượt so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và vượt nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tình trạng ô nhiễm không khí không chỉ kéo dài theo mùa mà còn lan rộng về mặt không gian, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân.

Quang cảnh hội thảo

Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đến từ nhiều nguồn khác nhau gồm phát thải từ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch; hoạt động xây dựng, cải tạo hạ tầng đô thị chưa được kiểm soát tốt; phát thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp; hoạt động đốt rơm rạ, chất thải và sinh khối ngoài trời…

Tại Hà Nội, ô nhiễm không khí thường gia tăng mạnh trong khoảng từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau do yếu tố bất lợi của thời tiết, hiện tượng nghịch nhiệt, lặng gió, ít mưa. Trong khi tại TPHCM, nhiều đánh giá, nghiên cứu cho rằng mật độ giao thông cao và hoạt động công nghiệp là nguyên nhân chính.

Ngoài ra, mặc dù chưa có nghiên cứu chính thức nhưng các cơ quan quản lý và nhà khoa học cũng đang thảo luận, đánh giá về phát thải của một số nguồn phát thải tự nhiên và xuyên biên giới: bụi từ các hoạt động nông nghiệp, cháy rừng và khói bụi từ các nước xung quanh cũng lan truyền, góp phần làm gia tăng thêm tình trạng ô nhiễm.

Hợp tác quốc tế và phối hợp đa ngành để giải quyết thực trạng ô nhiễm không khí

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, trước tình hình ô nhiễm không khí có chiều hướng gia tăng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (đầu mối là Cục Môi trường) đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng nhiệm vụ, dự án kiểm kê phát thải tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam phục vụ cho công tác phân tích, đánh giá dữ liệu, xây dựng các mô hình hóa và kịch bản dự báo ô nhiễm không khí…

Hiện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang chạy thử nghiệm mô hình dự báo chất lượng không khí trong 48 giờ tại Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc. Bộ cũng đang hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng không khí với các mục tiêu cụ thể đến giai đoạn 2025 – 2030, với từng nhóm giải pháp (được nhận định là nguồn gây ô nhiễm không khí) như năng lượng, nguồn thải, giao thông, xây dựng.

Bên cạnh đó, Bộ đã chủ động các hoạt động hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực; phối hợp với các tổ chức quốc tế như UNDP, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), các tập đoàn và tổng công ty để triển khai những dự án thí điểm, phát triển mạng lưới trạm đo nhanh chất lượng không khí, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, giao thông xanh và huy động nguồn lực tài chính, kỹ thuật nhằm cải thiện chất lượng không khí.

Dự kiến trong thời gian sắp tới, Bộ cũng sẽ có 2 đoàn công tác, trong đó có đoàn công tác cấp cao của Bộ trưởng về trao đổi kinh nghiệm, học tập Bắc Kinh trong cải thiện, kiểm soát, quản lý chất lượng không khí.

Huy động các nguồn lực để kiểm soát, cải thiện chất lượng không khí

Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, hội thảo khoa học hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng. Trong 2 ngày diễn ra hội thảo, các chuyên đề sẽ tập trung vào những nội dung như: kiểm kê phát thải, mô hình quan trắc, cảnh báo, dự báo, vùng phát thải thấp (LEZ), đốt ngoài trời, đối chiếu với tác động sức khỏe và bài học quốc tế. Chúng ta cũng rất mong muốn lắng nghe các báo cáo khoa học từ Trung Quốc, Thái Lan, các trường đại học danh tiếng và tổ chức quốc tế để từ đó đề xuất những khuyến nghị thích ứng với Việt Nam, phù hợp với điều kiện địa phương, nguồn lực và mức độ phát triển khác nhau. Các sự kiện trong chuỗi hội thảo khoa học lần này sẽ là đầu vào quan trọng cho việc hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng không khí giai đoạn 2025 - 2030 và các đề xuất chính sách sắp tới.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng kêu gọi các đối tác, tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, tri thức và nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác quản lý chất lượng không khí trong giai đoạn tới.

Thứ trưởng Lê Công Thành chia sẻ: Tôi hy vọng các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân sẽ tích cực tham gia vào các chương trình hành động, từ việc gìn giữ môi trường sạch sẽ xung quanh; gia tăng sử dụng phương tiện công cộng, giảm phát thải cá nhân đến triển khai, áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, tốt hơn trong sản xuất và xử lý khí thải, chất thải.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, ô nhiễm môi trường đã và đang gây thiệt hại vô cùng lớn trên thế giới với khoảng 6 nghìn tỷ USD chi phí y tế toàn cầu hàng năm; 1,2 tỷ ngày làm việc bị mất trên toàn cầu mỗi năm; tổn thất năng suất nông nghiệp toàn cầu từ 3 - 16%; làm giảm 5% giảm GDP toàn cầu do tác động sức khỏe, giảm năng suất chăn nuôi trồng trọt, ảnh hưởng đến lịch, sự kiện thể thao, hoạt động văn hóa…

Theo bà Ramla Khalidi, UNDP cùng WHO đang hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực quản lý và hệ thống dữ liệu. Việc ứng phó hiệu quả với ô nhiễm không khí không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn liên kết chặt chẽ với các mục tiêu về biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Bà Khalidi kêu gọi Việt Nam xây dựng nền tảng dữ liệu vững chắc, nâng cấp hệ thống quan trắc và phát triển chính sách dựa trên bằng chứng khoa học. Bà nhấn mạnh: Một chiến lược hiệu quả cần có sự phối hợp liên ngành, sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương và sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Tất cả cần nỗ lực để đảm bảo rằng trong hành trình phát triển, Việt Nam không để ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương nhất bởi tác động của ô nhiễm không khí.

An Vinh (t/h)