Nghiên cứu - Trao đổi

Giải quyết các thách thức về tích hợp lưới điện với tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng cao

Thứ ba, 22/8/2023 | 10:40 GMT+7
Mới đây, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ đã phối hợp tổ chức Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về giải pháp quản lý các nguồn phân tán (DERMS) và ảnh hưởng của lưới điện khi tỷ trọng thâm nhập điện mặt trời mái nhà tăng cao tại Phú Yên.

Sự kiện có sự tham dự của đại diện Cục Điều tiết điện lực (ERAV), Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các tổng công ty điện lực và các công ty điện lực trực thuộc, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện miền và chuyên gia quốc tế từ các công ty tư vấn như Energynautics (Đức), C4NET (Úc), cơ sở nghiên cứu như đại học Kaiserslautern (Đức), Phòng thí nghiệm năng lượng tái tạo quốc gia Hoa Kỳ, đơn vị vận hành lưới điện phân phối (EWE Netz GmbH – DSO của Đức) cùng các đơn vị cung cấp giải pháp DERMS.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án điện mặt trời mái nhà trong ngành thương mại và công nghiệp (CIRTS). Dự án do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ và do GIZ cùng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) thực hiện.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nathan Moore, Giám đốc dự án CIRTS của GIZ chia sẻ: “Tôi tin rằng các nội dung thảo luận từ hội thảo - bao gồm các kiến thức chuyên sâu về hợp tác TSO-DSO (đơn vị điều độ truyền tải và điều độ phân phối) sẽ hữu ích cho công việc của các quý đại biểu. Các kiến thức sẽ hỗ trợ các quý vị trong việc giải quyết các thách thức về tích hợp lưới điện với tỷ trọng năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời mái nhà nói riêng ngày càng tăng cao”.

Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: GIZ)

Tại phiên tham luận, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cập nhật về việc hợp tác giữa TSO và DSO, chia sẻ quan điểm về cách thức trao đổi thông tin trong vận hành điện mặt trời mái nhà, đề xuất lộ trình và cách thức tiếp cận cho hợp tác TSO-DSO.

Các diễn giả cũng chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng hệ thống DERMS và những vấn đề cần cân nhắc cho Việt Nam. Các phân tích kỹ thuật chuyên sâu trong phối hợp điều khiển điện áp và công suất phản kháng cũng được xem xét để đại biểu tham dự có được góc nhìn toàn diện về ảnh hưởng của nguồn phân tán đến vận hành lưới điện.

Bên cạnh các bài tham luận của các diễn giả là chuyên gia quốc tế từ đơn vị tư vấn, tổ chức nghiên cứu, đơn vị vận hành lưới điện phân phối, tọa đàm còn có những chia sẻ của các đơn vị cung cấp giải pháp DERMS trên thị trường, cho thấy mức độ sẵn sàng của nhà cung cấp trong việc mang lại cho các công ty điện lực công cụ giải quyết những thách thức về vận hành nguồn phân tán trong thực tiễn.

Các đại biểu cũng đã tới tham quan Trung tâm điều khiển của Công ty Điện lực Phú Yên để tìm hiểu về cách thức các kỹ sư điện lực Phú Yên điều độ vận hành lưới điện phân phối tại một trong những địa phương tỷ lệ thâm nhập điện mặt trời mái nhà cao trong cả nước.

Nhã Quyên