Năng lượng phát triển

Giảm thiểu tác động của Dự án thủy điện Pắc – Beng với ĐBSCL

Thứ sáu, 5/5/2017 | 21:32 GMT+7
Sáng 5/5, tại Hà Nội, Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn  Dự án Thủy điện Pắc-Beng nhằm trợ giúp Ủy hội sông Mê Công quốc tế ra quyết định về việc xây dựng công trình thủy điện Pắc - Beng trên dòng chính sông Mê Công của Lào. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển tới dự và chỉ đạo tại hội thảo.

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, thời gian gần đây tình hình phát triển nhanh chóng ở các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông Mê Công, đặc biệt là phát triển thủy điện dòng chính đang thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Lào đã khởi công xây dựng hai công trình thủy điện dòng chính là Xay-nha-bu-ly và Đôn Sa-hông; Lào và Campuchia cũng đang có kế hoạch tiếp tục nghiên cứu xây dựng các công trình thủy điện dòng chính khác. Bên cạnh đó, Trung Quốc cơ bản đã hoàn thành phát triển thủy điện trên sông Lan Thương; Thái Lan cũng gấp rút nghiên cứu triển khai các công trình chuyển nước ở vùng Đông Bắc.

Trong bối cảnh đó, là quốc gia nằm ở cuối nguồn, Việt Nam quan ngại sâu sắc về tác động của các công trình này đến môi trường, kinh tế - xã hội của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Với vai trò là địa bàn trọng điểm quốc gia về cả chính tri, kinh tế và an ninh quốc phòng, ĐBSCL chắc chắn sẽ phải gánh chịu tất cả các tác động lũy tích từ các hoạt động phát triển này. Cùng với đó, trước tình hình nhu cầu về tài nguyên nước trong lưu vực ngày càng tăng mạnh, hiện tượng biến đổi khí hậu, sụt lún đã xuất hiện gây đe dọa đến đời sống cũng như hoạt động sản xuất của người dân ở đây.

Theo Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển, công trình thủy điện Pắc - Beng trên lãnh thổ của Lào (do Trung Quốc đầu tư) là công trình thứ ba sau công trình Xay-nha-bu-ly và Đôn Sa-hông trong kế hoạch xây dựng các công trình thủy điện dòng chính hạ lưu vực sông Mê Công của các quốc gia ven sông. Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã thống nhất quá trình Tham vấn trước cho Dự án bắt đầu từ ngày 20/12/2016, theo kế hoạch quá trình tham vấn trước sẽ kết thúc cuối tháng 6/2017.

Về dự án Pắc - Beng, ông Trần Đức Cường – Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết, Tham vấn trước cho Dự án thủy điện Pắc - Beng được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc cơ bản về sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông quốc tế và một số bài học từ các lần tham vấn trước đây, trong đó các quốc gia đã rất lưu ý đến tác động xuyên biên giới và đề xuất các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động trong các giai đoạn thiết kế, xây dựng và vận hành công trình sau này.

Ngay sau khi tiến trình Tham vấn được bắt đầu, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam với vai trò đầu mối đã triển khai nhiều hoạt động chuẩn bị cho công tác tham vấn, thành lập nhóm công tác quốc gia với sự tham gia của nhiều đại diện các đơn vị chuyên môn trong và ngoài Bộ TN&MT cùng nhiều chuyên gia tư vấn quốc gia thuộc các chuyên ngành liên quan trực tiếp tiến hành  nghiên cứu tác động của dự án thủy điện Pắc - Beng.

Trên cơ sở đó, tại  hội thảo đại diện Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đưa ra những đánh giá tác động của Dự án thủy điện Pắc - Beng trên 7 lĩnh vực: Thủy văn – thủy lực; phù sa bùn cát; thủy sản, hệ sinh thái; chất lượng nước; kinh tế - xã hội; giao thông thủy; an toàn đập.

Trong đó, theo đánh giá sơ bộ của nhóm công tác quốc gia, công trình thủy điện Pắc - Beng gây nguy cơ suy giảm chất lượng nước, làm giảm hàm lượng và tải lượng phù sa bùn cát về phía hạ lưu dẫn đến suy giảm nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL, quan ngại đến sinh kế của gần 20 triệu người dân khu vực này. Tính toán sơ bộ cho thấy, tác động tích lũy của dự án Pắc - Beng cùng với các bậc thang thủy điện dòng chính sông Mê Công có thể làm giảm từ 6-10% nguồn chất dinh dưỡng (đạm và lân) cho ĐBSCL.

Đồng thời, tác động xuyên biên giới của công trình thủy điện Pắc - Beng tới kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng gia tăng dần theo thời gian. Những biểu hiện về thay đổi chế độ dòng chảy và mức độ xâm nhập mặn, sạt lở ngày càng có xu thế diễn biến bất thường và dự báo sẽ gia tăng do tác động của bậc thang thủy điện dòng chính sông Mê Công. Tác động tích lũy của Dự án Pắc - Beng sẽ làm gia tăng sạt lở, xâm nhập mặn, tăng thêm mức độ ảnh hưởng cho khoảng 16 – 20% dân số ĐBSCL.

Trước những quan ngại về tác động của các hoạt động phát triển thượng nguồn nói chung và công trình thủy điện Pắc - Beng nói riêng đối với ĐBSCL, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển yêu cầu quá trình tham vấn cho dự án sẽ đưa ra được những khuyến nghị với Chính phủ làm sao để chủ động ứng phó, giảm thiểu tác động; hướng tới mục tiêu sử dụng công bằng, hợp lý và bền vững tài nguyên nước cũng như các tài nguyên liên quan lưu vực sông Mê Công.

Thứ trưởng hy vọng, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cũng như các Bộ, ngành tiếp tục có những kiến nghị đến Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công về dự án liên quan đến đánh giá toàn diện, đánh giá tích lũy, tác động xuyên biên giới đối với ĐBSCL…và những giải pháp cho cả phía Lào và Chính phủ Việt Nam chủ động ứng phó không chỉ khi công trình đã hoàn thành mà thể hiện cả trong quá trình thiết kế, thi công, đặc biệt là quá trình vận hành sau này. 

* Pắc- Beng là công trình thủy điện thứ nhất trong chuỗi bậc thang thủy điện dòng chính dự kiến được xây dựng trong vùng Hạ lưu vực sông Mê Công và là công trình dòng chính thứ 3 được đề xuất xây dựng, sau Xay-nha-bu-ly và Đôn Sa-hông.

* Công trình thủy điện Pắc - Beng nằm hoàn toàn trên lãnh thổ Lào, thuộc huyện Pắc Beng, tỉnh Oudomxay.

* Vị trí xây dựng công trình tại Km 2.188, cách TP.Viên Chăn 610km về phía thượng lưu và cách biên giới Việt Nam 1.933km.

 
Thanh Hằng