Hà Nội ban hành kế hoạch thực hiện Luật Tài nguyên nước

Thứ hai, 12/8/2024 | 15:42 GMT+7
Theo Kế hoạch số 229/KH-UBND, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 229/KH-UBND về việc triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 trên địa bàn. Kế hoạch nhằm xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

Thông qua kế hoạch, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức thực hiện các nội dung như: tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết Luật, các văn bản có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước trên địa bàn thành phố, tại UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây. Tập huấn chuyên sâu; tuyên truyền Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; xây dựng, ban hành, phối hợp triển khai thực hiện các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước của UBND thành phố.

Ảnh minh họa

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là cơ quan đầu mối giúp UBND thành phố thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; quản lý nguồn nước. Trong đó, tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành, duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước trong hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường của thành phố; xác định, công bố chức năng đối với nguồn nước mặt nội tỉnh trong trường hợp chưa có quy hoạch hoặc quy hoạch chưa thể hiện chức năng nguồn nước.

Chủ trì, phối hợp, tham mưu UBND thành phố tổ chức lập, công bố, điều chỉnh danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước; phê duyệt, điều chỉnh phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước, kế hoạch, phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước; giao mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước cho UBND cấp huyện hoặc UBND cấp xã để quản lý, bảo vệ; tổ chức điều tra xác định, điều chỉnh vị trí, giá trị dòng chảy tối thiểu trên sông, suối nội tỉnh; kiểm soát các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt; xác định và tổ chức việc công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên cơ sở đề xuất của tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt theo quy định…

UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành các công trình, hệ thống công trình thủy lợi, công trình cấp nước nông thôn, bảo đảm về an toàn đập, hồ chứa thủy lợi thuộc phạm vi quản lý theo các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; cung cấp thông tin, số liệu để xây dựng kịch bản nguồn nước, thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật Tài nguyên nước.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, Sở có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh các quy trình vận hành hồ chứa, công trình, hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu, chống thất thoát, lãng phí nước và bảo đảm lưu thông của dòng chảy trong hệ thống công trình, không gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước; chỉ đạo tổ chức việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn nước, kịch bản nguồn nước, phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước theo quy định; áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm, hiệu quả…

UBND thành phố yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các Sở, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn thành phố trong việc triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước. Nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm, vai trò của cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì. Kịp thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện, đảm bảo tiến độ, hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước.

Bảo An