Kinh tế xanh

Hà Nội duy trì thúc đẩy tiêu thụ hàng nội địa để tăng trưởng kinh tế

Thứ ba, 16/3/2021 | 11:47 GMT+7
Trước những thành tựu trong duy trì đà tăng trưởng kinh tế của cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục đưa ra nhiều hoạt động thiết thực nhằm kích cầu thương mại, tăng trưởng kinh tế cho thành phố trong giai đoạn tới.

Để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm cho người dân trong thời dịch Covid-19, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã lần đầu tiên tổ chức thêm hai đợt khuyến mại tập trung vào tháng 6 và 7 vào năm 2020 thay vì chỉ tổ chức vào tháng 11 như mọi năm. Cùng với đó, các hoạt động kết nối sản xuất - tiêu thụ hàng hóa với 54 tỉnh, thành phố và đặc biệt là sự kiện "Hà Nội đêm không ngủ" cũng được tổ chức nhằm khơi thông thị trường nội địa. 

Hơn nữa, theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thành phố Hà Nội đã tổ chức hàng loạt chương trình mới giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đồng thời tạo điều kiện cho người dân có cơ hội mua sắm hàng hóa với mức giá ưu đãi.

Bên cạnh các chương trình do thành phố tổ chức, các doanh nghiệp bán lẻ lớn như: Hapro, BRG, Co.opmart, Big C, Aeon Mall, Vinmart… cùng các siêu thị điện máy nổi tiếng như: MediaMart, Pico, Nguyễn Kim… cũng liên tục triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại lớn thu hút người tiêu dùng, đẩy mạnh mua sắm.

Sự kiện "Hà Nội đêm không ngủ" thu hút đông đảo người dân đến thăm quan, mua sắm

Nhờ hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ trên địa bàn Hà Nội trong năm 2020 tăng 7,9% so với năm 2019. Tính trong 2 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho biết, tăng trưởng doanh thu hàng hóa, thương mại, dịch vụ và đóng góp của lĩnh vực này vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội cho thấy các giải pháp kích cầu thị trường nội địa mang lại hiệu quả tích cực, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất vượt qua khó khăn trước mắt và phát triển trong tương lai.

Bà Trần Thị Phương Lan chia sẻ: “Thành phố hiện có hơn 284.000 doanh nghiệp, cùng mạng lưới phân phối hiện đại. Với 10,3 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn, Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn, có khả năng tập trung, đưa luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu. Vì thế, các chương trình khuyến mại được kỳ vọng là đòn bẩy kích cầu mua sắm, từ đó kích thích sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô năm 2021”. 

Theo bà, Sở Công Thương Hà Nội đang xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình khuyến mại tập trung năm 2021 để đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Mục tiêu là thu hút 1.000 - 2.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố gồm các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tự chọn, cửa hàng chuyên doanh, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, vận chuyển, viễn thông, hệ thống ngân hàng… Cùng với đó, Sở tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hình thức khuyến mại trên quy mô lớn, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân.

Hiện tại, thành phố đang tiếp tục thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển các phương thức kinh doanh hiện đại phù hợp với nền kinh tế số và bối cảnh có dịch Covid-19; hỗ trợ doanh nghiệp hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng trong nước.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, khi doanh nghiệp gặp khó về thị trường tiêu thụ, việc đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ là hành động thiết thực hậu thuẫn cho doanh nghiệp Việt duy trì sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, trong dài hạn cần quan tâm phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng để hình thành các chuỗi cung ứng của Việt Nam. 

Huyền Dung (T/h)